Chuyện TU SĨ: Thiên Tai? Nhân Tai? Tận Thế?


Sau khi núi lửa Taal nằm ngay sân nhà thức dậy, phun nham thạch và tro bụi, phố Tagaytay hóa ra đen kịt bởi bùn diêm sinh bám cứng thân và lá cây một thời tô xanh phố. Mấy ngày sau, bùn khô hóa bụi mịn như cát. Gió kéo về thổi tung bay bụi cát. Thiên hạ đi ra đường, phần lớn đều phải đeo khẩu trang bảo vệ hai lá phổi.

Khẩu Trang
Em với khẩu trang che kín miệng ghé vào văn phòng thăm tôi. Tôi thật tình tò mò hỏi,
— Đeo khẩu trang bởi núi lửa hay bởi vi khuẩn Corona? Hay…bởi cả hai?
Em tay gỡ khẩu trang, miệng cười toe toét,
— Cha! Khẩu trang con đeo là cho núi lửa. Cha không thấy bụi bay đầy trời à.
Em nói giọng điệu bông lơn,
— Mình sống bên Philippines, cách Vũ Hán cả một đại dương. Coronavirus có muốn, bay cũng không tới...
Thấy tôi không hứng thú với lời bông đùa, em đổi giọng, lần này nghiêm chỉnh hơn,
— Hy vọng “Cô Rô [Corona], Cô Vi [nCoV], Cô Vít [Covid-19]” sẽ không bao giờ ghé vào thăm hỏi Philippines cha nhỉ...
Tôi gật đầu,
— Thì cũng hy vọng là như vậy!
Em hỏi tôi,
— Cha! Bên Úc lửa rừng cháy liên tục, mấy tháng rồi. Bên mình núi lửa. Cả thế giới giờ này dính nạn dịch Coronavirus. Mấy tên bạn con, tụi hắn nói đây là những điềm của tận thế. Có đúng không cha?

Cháy Rừng Úc Châu
Năm Canh Tý 2020 ghé về trong bối cảnh thế giới trải qua nhiều biến động.
Chuyện đầu tiên là Úc Châu cháy rừng liên tục trong nhiều tháng. Từ những ngày cuối của năm 2019, Úc Châu cháy! Lửa đỏ thiêu rụi tất cả trên con đường đi. Lửa đốt sa mạc, lửa thui sinh vật, kể cả con người. Từ trên vệ tinh nhìn xuống nước Úc, trần gian nhận ra một màu đỏ rực. Úc Châu cháy từ những ngày cuối năm 2019, lửa đỏ kéo sang tới đầu năm 2020, và tiếp tục cháy!

Cháy rừng sa mạc Úc Châu giết chết nhiều động vật: kangaroo, koala, và con người. Theo dõi những bản tin cháy rừng, ít khi thấy bóng dáng của người Thổ Dân Úc Châu trong những bản tin. Trên các phương tiện truyền thông Úc Châu, nạn nhân cháy rừng (thường xuyên) được nhắc tới là Úc gốc Âu Châu, kangaroo và koala. Giống như Úc Châu chỉ có Úc gốc Âu và thú rừng. Tu sĩ thắc mắc hay là lửa rừng không lan tới những thôn làng Thổ dân. Hay bởi người Thổ dân biết cách né đường đi của lửa. Có một lần tu sĩ đọc được bản tin trên internet báo The Guardian Úc Châu, tác giả Joe Morrison đề nghị chính quyền Úc nên học hỏi kinh nghiệm sống “với” cháy rừng hơn 65,000 năm rồi trên lục địa sa mạc Úc Châu của người Thổ Dân.

Núi Lửa Taal, Philippines
Chúa Nhật Đức Giêsu Nhận Phép Rửa (12/1/2020), tu sĩ cử hành thánh lễ lúc 9 giờ sáng tại nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp phố Tagaytay. Sau bài giảng về nước, tính thanh tẩy cũng như tính tái sinh vớitrong Đức Giêsu của nước rửa tội, tu sĩ mời giáo dân đứng dậy nhận nước thanh tẩy và tái sinh. Cùng với em giúp lễ, tu sĩ vẩy nước ướt khuôn mặt của từng giáo dân. Trưa, tu sĩ ghé vào nhà bà bếp ăn giỗ! Khoảng hơn 1 giờ trưa, không ai ngờ, núi lửa Taal vươn vai thức dậy, phun cột khói cao hơn cả một cây số lên thẳng bầu trời xanh lơ mùa Xuân. Cột khói diêm sinh ngày Chúa Nhật hôm đó tạm thời chấm dứt danh tiếng lẫy lừng của phố du lịch cao nguyên Tagaytay. Bụi diêm sinh quyện vào với hơi nước của hồ núi lửa hóa ra bùn rơi xuống bám đen dầy đặc phố. Khói và bụi bay cao bay xa tới tận Manila ở phía Bắc khiến phi trường thủ đô tê liệt, không một phi cơ nào được phép bay lên, không một phi cơ nào được phép bay tới. Hơn một nửa cư dân của phố, ngay chiều hôm đó, di tản!

Núi lửa thức dậy ngắt nguồn điện và nguồn nước của phố vào nhiều vùng phụ cận. Mưa bùn diêm sinh bôi đen màu xanh bạt ngàn. Đất phố rung chuyển liên tục. 13 tiếng đồng hồ sau, núi bắt đầu phun nham thạch lên thẳng bầu trời đen kịt lúc 4 giờ sáng ngày thứ Hai!

Bởi núi lửa, phố cao nguyên Tagaytay tê liệt hoàn toàn. Thương xá hàng quán đóng cửa. Bụi diêm sinh dầy đặc bầu trời buộc cư dân phố phải đeo khẩu trang, nếu không muốn bụi diêm sinh chui thẳng vào buồng phổi hủy hoại mầu hồng tươi. Riêng em, đi lễ và giúp lễ, cũng đeo khẩu trang.

Covid-19
Trong khi cư dân phố Tagaytay đang vật vã với khói và bụi diêm sinh, bất ngờ tin tức về một loại vi khuẩn họ Corona xuất hiện tại một góc nhỏ trên trang đầu một số nhật báo. Ngày hôm sau, rồi hôm sau nữa, tin tức về chủng mới Coronavirus tại phố Vũ Hán 11 triệu dân tỉnh Hồ Bắc bỗng nhiên trở thành tít lớn chạy ngay trang đầu. Vi khuẩn Corona chủng mới, khoa học gia nghi ngờ, xuất phát từ ngôi chợ bán động vật hoang dã tại phố Vũ Hán. Vật chủ mang Coronavirus tới con người có thể là dơi, rồi lại đoán là rắn, sau cùng là tê tê. Chính phủ Nhật và Hoa Kỳ nhanh chóng mang phi cơ tới tỉnh Vũ Hán di tản công dân Nhật và Mỹ. Nhiều nước tiếp theo sau đó, Nam Hàn, Indonesia… Sau cùng, Bắc Kinh chính thức thông báo: Vũ Hán bị cô lập, nội bất xuất, ngoại bất nhập! Phố lớn Vũ Hán trở thành trung tâm dịch viêm phổi mới, thoạt đầu tên gọi Wuhan virus, rồi là novel Coronavirus, tổ chức Sức Khỏe Quốc Tế (WHO) sau cùng đặt tên Covid-19, và mới đây Sars-CoV-2.

Từ Vũ Hán, Covid-19 bắt đầu vượt đường biên giới.
Hoa Kỳ, quận Santa Clara của Bắc Cali có người Trung Hoa về lại từ Vũ Hán, sốt và ho, tự và được cách ly. Tin mới nhất, chính quyền liên bang dự tính mang những người nhiễm vi khuẩn tới trung tâm cách ly Fairview Developmental Center ở phố Costa Mesa, CA.

Việt Nam, thoạt tiên ông bố từ Vũ Hán ghé vào Việt Nam thăm cậu con trai đang làm việc tại Việt Nam. Bố nhiễm vi khuẩn Covid-19 lây sang con trai. Cả hai được điều trị tại bệnh viện Sài Gòn khu vực cách ly. Rồi cả nguyên xã Sơn Lôi tỉnh Vĩnh Phúc bị cách ly tương tự như Vũ Hán bởi dịch bệnh. LM Hoàng Trọng Hữu địa phận Bắc Ninh xin phép Giám Mục bản quyền đi vào khu cách ly phục vụ giáo dân trung tâm dịch Sơn Lôi.

Philippines, quốc gia định cư của tu sĩ thoạt tiên ghi nhận một trường hợp người Trung Hoa đến từ Vũ Hán tử vong bởi Covid-19. Đến nay, quốc gia ngàn đảo đã phong tỏa toàn tập…

Nam Hàn, bỗng nhiên trở thành quốc gia đứng thứ hai sau Trung Quốc về con số người nhiễm virus viêm phổi mới. Một người phụ nữ 61 tuổi của giáo phái Tân Thiên Địa, biết mình ho và nóng sốt, nhưng vẫn không chịu đi khám bác sĩ hoặc tự mình cách ly, lại còn cương quyết tham dự nghi thức thờ phượng. Thế là mầm bệnh lan nhanh tại thành phố Daegu, nằm cách thủ đô Seoul phía đông nam 150 dặm. Tính tới ngày hôm nay (29/2), gần 3,000 người dân xứ Hàn đã bị lây nhiễm. Trung tâm dịch Covid-19 thứ hai của thế giới bây giờ là Daegu, phố lớn thứ tư của Hàn. Giao thông giữa hai quốc gia Việt Nam và Nam Hàn bị gián đoạn, cư dân Việt sinh hoạt trên đất Hàn lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Nếu bay về Việt Nam, họ sẽ bị bắt buộc phải cách ly trong vòng 2 tuần lễ.

Nhà thờ tại Hồng Kông, Singapore, Nam Hàn không cử hành thánh lễ hằng ngày bởi bệnh dịch. Giáo dân được khuyến khích tham dự thánh lễ và nghi thức Mùa Chay tại nhà qua phương tiện truyền thông internet…

Dịch đã lan ra gần như khắp thế giới, Ý, Iran, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Mỹ... Con số nạn nhân nhiễm Covid-19 đã lên tới con số hơn 80,000 (tới ngày hôm nay). Bật TV, lên trang mạng xã hội, tin tức về vi khuẩn chủng mới Corona chiếm hàng đầu. Người mang khuôn mặt Á Châu tự nhiên trở thành nạn nhân. Khuôn mặt Á Châu đồng nghĩa với người Trung Hoa (được hiểu là đến từ) Vũ Hán. Pháp, Ý, người gốc Á Châu bị hành hung, kỳ thị. Người Trung Hoa tại Pháp lên tiếng phản đối, “Chúng tôi là người Trung Hoa, không phải con virus Corona.” Con em Việt Nam ở Cali tại trường học lỡ ho, thầy giáo gửi em lên thẳng văn phòng Y Tế mặc dù em nói em không sao…

Thiên Tai? Nhân Tai?
Cháy Rừng Úc Châu – Úc Châu tháng 12, 1, 2, là mùa hè. Úc Châu phần lớn là sa mạc (danh từ sa mạc theo góc nhìn của người phố thị). Mấy phố lớn Sydney, Melbourne, Adelaide, Brisbane, Perth, và Darwin nằm dọc theo bờ biển. Rời phố lớn một chút là bước vào sa mạc mênh mông ngút ngàn đường chân trời.

Cháy rừng Úc Châu xảy ra hằng năm bởi trời nóng, cỏ khô ran bởi mặt trời sa mạc thiêu đốt. Cỏ khô như rơm dưới nắng hè sa mạc nung đốt, lửa phát sinh, thế là cháy rừng! Trong trường hợp này cháy rừng Úc Châu là thiên tai.

Thời gian mới tới Úc, tu sĩ tham gia lớp Hướng Dẫn Văn Hóa. Một trong những thuyết trình viên là LM gốc Úc Châu. Bàn về khí hậu sa mạc Úc, ngài nói, năm nào cũng vậy, Úc Châu cháy rừng mùa hè, năm cháy lớn, năm cháy nhỏ! Ngài giải thích có thể bởi nắng sa mạc mùa hè đốt cháy cỏ khô bạt ngàn. Ngài cũng nói, khoa học gia phỏng đoán, cũng có thể bởi chai lọ thuỷ tinh quẳng bỏ trong sa mạc. Gặp chai lọ, tia nắng mặt trời tụ lại, hóa ra đốm lửa. Thế là cháy! Nếu bởi chai lọ thủy tinh, cháy rừng là nhân tai!

Khoa học gia cũng đặt vấn đề, cháy rừng Úc Châu hằng năm cũng có thể liên hệ tới hiện tượng thời tiết thay đổi, trái đất ấm dần! Mùa hè sa mạc Úc Châu do đó nắng hạn hơn. Cỏ khô sa mạc khô hơn! Thế là cháy dữ dội hơn và khó dập tắt hơn!

Núi Lửa Taal – Núi lửa Taal nằm ở sân nhà của phố Tagaytay là một trong 24 ngọn núi lửa của Philippines, và cũng là một trong những ngọn núi lửa nguy hiểm nhất của thế giới. Viện Núi Lửa và Địa Chấn Philippines (Phivolcs) ghi nhận năm 1572, núi lửa thức dậy, phun lửa. Từ đó đến nay, đã 34 lần núi Taal phun khói diêm sinh. Núi đã từng phun lửa trong quá khứ, mới phun lửa vào ngày 12/1/2020, và sẽ còn phun lửa vào một ngày trong tương lai.

Núi lửa Taal phát nổ ngày 12/1 do đó thuộc về hiện tượng thiên nhiên. Khi tu sĩ đang viết những hàng chữ này, núi lửa đã tạm ngưng phun khói. Nhưng Viện Phivolcs vẫn cảnh báo dựa vào những chuyển động của dung nham đo được dưới lòng núi, núi Taal vẫn có thể phun trào lửa (bất cứ lúc nào) đe dọa mạng sống của toàn thể cư dân phố cao nguyên Tagaytay và vùng lân cận!

Tất cả mọi tiến bộ và đỉnh điểm kỹ thuật của nhân loại tính vào thời điểm bây giờ cũng chỉ có thể dự đoán những chuyển động của nham thạch. Nhưng, để đóng kín lại miệng núi lửa, chỉ có một người duy nhất, đó là Thiên Chúa. Tu sĩ cũng như người dân phố cao nguyên vẫn cầu nguyện và tin tưởng vào Lòng Chúa Thương Xót. Lời cầu nguyện của phố Tagaytay ngày ngày vẫn bay cao lên thiên nhan, bởi thế những cột khói diêm sinh núi lửa ngày càng nhỏ lại, và đến ngày hôm nay dường như tắt hẳn.

Covid-19 – Chủng virus mới Corona lan nhanh đến chóng mặt. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này liên hệ tới hiện tượng ngôi làng toàn cầu (global village). Bởi kỹ thuật tiên tiến của thiên niên kỷ thứ 3, rất nhiều người buổi sáng có thể ăn điểm tâm tại Tokyo, ăn trưa tại Taipei, và ăn tối tại Sài Gòn. Trái đất một khi trở thành một ngôi làng, sự liên hệ và giao dịch giữa người dân trở nên một chuyện thường xuyên. Bởi thế, một người mang mầm bệnh Covid-19, cả ngôi làng đều có thể lây nhiễm Coronavirus.

Vi trùng, vi khuẩn đểu đã xuất hiện trong thiên nhiên từ những ngày đầu tiên của cuộc sống trên Trái Đất. Vi khuẩn do đó thuộc về lãnh vực tự nhiên. Vi khuẩn Ebola một thời đe dọa mạng sống nhân loại có lẽ đã lan sang một cậu bé hai tuổi, qua một lần chơi đùa trong thân cây rỗng có bầy dơi làm tổ gần bờ sông Ebola ở Congo. Vi khuẩn Ebola từ dơi lây sang cậu bé, và rồi từ Congo lan sang nhiều quốc gia chủ yếu ở Tây Phi Châu. Nếu thật sự không phải do con người chế tạo trong phòng thí nghiệm, dịch Ebola là thiên tai. Tương tự như thế, khoa học gia phỏng đoán Covid-19 có thể đã đến từ một con vật (dơi? rắn? tê tê?) bán ở chợ Hoa Nam tỉnh Vũ Hán. Rồi lây sang người. Trong trường hợp này, Covid-19 có thể nói thuộc về thiên tai.

Nhưng cũng có rất nhiều nghi vấn đặt ra về nguồn gốc của Covid-19. Vi khuẩn mới họ Corona có thể đã đến từ phòng thí nghiệm, một loại vũ khí hóa học do con người tạo ra tại Viện Vi Trùng Vũ Hán (Wuhan Institute of Virology). Bởi bất ngờ hay cố ý, hắn rời khỏi phòng thí nghiệm! Trong trường hợp này Covid-19 có thể nói thuộc về nhân tai, tai nạn do con người tự tạo ra…

Tận Thế – Cháy Rừng Úc Châu và Covid-19 là thiên tai hay là nhân tai, hy vọng, khoa học gia rồi sẽ có câu trả lời. Núi lửa Taal thì không có chi để tranh luận thêm, bởi đây là một hiện tượng tự nhiên.

Nhìn dưới lăng kiếng của thiên tai, cả ba hiện tượng cháy rừng Úc Châu, núi lửa Taal và Covid-19 đều không phải là bằng chứng (hoặc điềm) để nói ngày tận thế đã tới – nếu hiểu tận thế trong nghĩa hạn hẹp là con người hoàn toàn bị tiêu diệt, xóa sổ trên mặt đất. Cháy rừng Úc Châu tàn phá cây rừng, thú vật và một số người. Núi lửa Taal cũng đã lấy đi một số nhân mạng. Riêng về dịch bệnh viêm phổi, khả năng tìm kiếm ra thuốc chủng ngừa Covid-19 thật sự là khả thi. Khi tu sĩ đang viết những hàng chữ này, nhiều cơ quan ngôn luận trên thế giới đều đã phát đi những bản tin về thuốc chủng Covid-19, dù vẫn còn đang trong tình trạng thử nghiệm.

Nhưng qua hiện tượng cháy rừng Úc Châu và Covid-19, thế giới lại có dịp được Mẹ Đất cảnh báo bằng những bài học đắt giá về thái độ sống tự mãn, coi con người là động vật duy nhất cấp cao, còn lại tất cả những sinh vật khác chỉ là cấp thấp, đã được sinh ra để phục vụ cho con người. Đức Giáo Hoàng Francis viết Tông huấn Laudato Si’ (LS) nhắc nhở tín hữu toàn cầu về hiện tượng khí hậu thay đổi (climate change). Ngài nói trái đất là ngôi nhà được Thiên Chúa trao ban cho con người để con người thay mặt Ngài chăm sóc và giữ gìn tất cả mọi sinh vật do Thiên Chúa tạo ra (LS 244). Bởi thế, cuộc lữ hành trần thế không chỉ có con người, nhưng cùng với tất cả các loài thụ tạo, chúng ta (con người và thụ tạo) đi tìm kiếm Chúa (LS 244). Nếu đúng là Covid-19 lây sang người bởi dơi hoặc rắn hoặc tê tê, con người lại được học một bài học đắt giá, đó là, con người phải tôn trọng đời sống của tất cả những sinh vật do chính Thiên Chúa tạo nên.

Sau cùng, lại thêm một lần nữa, con người nhận ra chân tướng của chính mình. Dù thông minh, siêu đẳng, tiến bộ, kỹ thuật, không ai trên trần gian có khả năng ngăn chận được: (a) gió và lửa thiêu đỏ Úc Châu, (b) bụi diêm sinh và nham thạch núi lửa Taal, Philippines, và (c) cơn dịch toàn cầu Covid-19. Người duy nhất có khả năng ngăn chận và hóa giải được cả ba trận thiên tai kể trên chính là Thiên Chúa. Nhờ Lòng Chúa Thương Xót, qua những lời cầu xin của người dân Úc, dân phố Tagaytay, và dân thế giới; mưa trời đã đổ xuống sa mạc Úc Châu dập tắt lửa hoang, núi lửa Taal đã đóng cửa tạm thời ngủ yên, và thuốc chủng Covid19 sẽ sớm trở thành một hiện thực.

Nghĩ cho cùng, bài học cho cái cao ngạo của tháp Babel năm xưa vẫn đang lập lại qua ba biến cố nổi bật trong những ngày đầu năm của năm 2020. Bài học đó chính là con người thực chất không phải và chưa bao giờ là đấng sáng tạo, nhưng vẫn chỉ là loài thụ tạo, và vẫn cứ là thụ tạo cho tới những ngày tận thế. Lời phán của Tổng lãnh Thiên thần Micae khi xưa một lần nữa lại vang dội trong tâm hồn mọi người tín hữu: “Ai bằng Thiên Chúa!” Dưới lăng kiếng niềm tin, “Phúc cho những ai không thấy mà tin” (John 20:29) lại càng thêm giá trị. Hơn một tuần sống với tro tàn, bùn đen, bụi diêm của và những cơn địa chấn liên tục gây ra bởi núi lửa Taal nằm ngay sau sân nhà, tu sĩ Tagaytay và cư dân phố khi đó chỉ còn duy nhất niềm tin để bám vào. Bởi thế, lại một lần nữa, tu sĩ lại được Trời cao ban tặng thêm một cơ hội để cảm nghiệm sâu xa giá trị tuyệt đối của hai chữ Niềm Tin.

Dấu tro trên trán vào Ngày Lễ Tro do đó lại càng thêm đậm đà ý nghĩa trong Mùa Chay 2020. Dấu tro và Mùa Chay năm nay đã nhắc nhở mọi người tín hữu một sự thật, “Hỡi người, hãy nhớ mình là bụi tro!”


Nguyễn Trung Tây
Tagaytay, Phố Núi Lửa Taal 2020
Trích "Chuyện TU SĨ: Thiên Tai? Nhân Tai? Tận Thế?" Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp 404 (Tháng 4, 2020): 42-45.

Comments

Popular Posts