Chuyện của EM: Đi Tu! Dễ Hay Khó?



Thật bất ngờ, em đưa lên FaceBook đề tài: “Đi tu! Dễ hay khó?”
Phần đông bạn em (và có lẽ phần đông thiên hạ) đều góp ý:
— Dễ hay khó cũng tùy người!
Tôi cũng nghĩ như vậy, “Dễ hay khó cũng tùy người…,” nhưng tôi lại nghĩ xa hơn, “người” ở sau ba chấm này cũng có thể là:

“NGƯỜI Hàng Xóm”
Ngày Đức Giêsu về lại xóm Narazeth (Matt 13:54-58), giây phút hội ngộ trong thôn không dễ cho Đức Giêsu và cả người hàng xóm, bởi “người hàng xóm” vô tư “lôi” đời riêng tư của một mộc thôn ra mổ xẻ. Họ dè bĩu chê bai,
— [Đúng là chuyện phường chèo!] Ở đâu mà chui ra mấy vụ lên lớp dậy dỗ vậy ta? Đây có phải là con trai của chú thợ mộc [trong thôn] không cà? (Matt 13:54-55).
Chưa hết! Tên của Mẹ và anh em Ngài, từng tên được lôi ra, đóng đinh, treo cao trên tường để thiên hạ thản nhiên phóng phi tiêu vô tội vạ (Matt 13:55-56). Theo như thánh sử Matthew, “người hàng xóm” cũng không tiếc những lời nói văng miểng khiến đôi tai Đức Giêsu (bị) phiền hà! (Matt 13:57).
Rõ ràng đi tu không dễ với tu sĩ bình bát Đức Giêsu cũng bởi “người hàng xóm!

Đẩy vấn đề đi xa hơn một chút, đời tu không dễ cũng tùy người…, người ở ngay đoạn ba chấm lần này là tùy:

“NGƯỜI Thân Trong Gia Đình”
Em Tu sĩ Ghana kể cho tôi nghe.
Em truyền giáo bên Ghana, lục địa Phi Châu. Sau 3 năm miệt mài nơi vùng đất khô khan, cháy nắng, em giờ này nhìn phong trần, già dặn hơn nhiều. Em gầy thấy rõ, hai gò má nhô cao, làn da nâu đen. Thư sinh trắng bóc ngày xưa hoàn toàn biến mất. Em giờ vẫn mang kính cận, nhưng nét công tử bị bóc bỏ. Em nói, sau 3 năm truyền giáo, em được phép về quê hương nghỉ hè. Lời đầu tiên gia đình bật miệng khi thấy em ba lô trên vai bước qua khung cửa là một lời…càm ràm thật thà,
— Sao mà đen và già thế!
Em đang hí hửng, bởi 3 năm rồi, có bao nhiêu điều để em muốn chia sẻ về đời truyền giáo nơi vùng đất xa lạ. Em háo hức lắm. Thật tình là thế! Nhưng bởi lời “thân tình và thật thà” của “người thân trong gia đình”, em khựng ngang, em đứng hình; em nói em muốn rớt nước mắt; em thấy đời tu thật sự là khó!
Em nói thêm, sau 3 năm miệt mài truyền giáo nơi Ghana nắng cháy, nếu còn mang nguyên nét thư sinh trắng bóc, em rõ ràng là người truyền giáo… là lạ lắm à nghen!
           
Em Tu sĩ Thượng Du.
Em sinh hoạt truyền giáo với dân tộc thiểu số vùng thượng du hẻo lánh. Một mình em chăm sóc hơn 10 họ đạo con chiên tộc thiểu số. Nhìn em dâng thánh lễ trong nguyện đường lợp mái rạ đơn sơ của họ đạo, giáo dân ngồi trên ghế đóng bằng tre, tôi nghĩ ngay tới lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô: “Chủ chiên phải mang mùi của chiên!” Thật sự là như thế! Em đúng là chủ chiên vừa nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Tết Dân tộc về, em quyết định ở lại với con chiên họ đạo. Giao Thừa, em bận dâng thánh lễ, không gọi về chúc Tết gia đình được. Sáng Mùng Một Tết, em gọi điện thoại chúc Tết Bố Mẹ.
Sau một hồi chúc Tết và chuyện trò với Bố, em nói chuyện với Mẹ. Em vô tình hỏi:
— Mẹ ơi, năm nay nhà mình ăn Tết lớn không?
Mẹ em giọng tự nhiên chùng xuống, sau một hồi ấp úng Mẹ đổi sang chuyện khác. Mẹ em nói,
— Cha X, bạn cùng lớp với con, còn nhớ không? Bà Cố sáng Giao Thừa, Mẹ gặp ở chợ Tết. Bà Cố khoe Cha X truyền giáo bên Mỹ, mới gửi về mấy ngàn đô cho gia đình ăn Tết…
Nói xong Mẹ em yên lặng…
Em tự nhiên cũng lặng người theo!?
Hồi đó, em và Cha X cùng được chọn đi Mỹ học. Em suy nghĩ, sau cùng quyết định xin phép Bề Trên ở lại quê hương, lên vùng thượng du, phụ trách mục vụ với người thiểu số.
Sinh hoạt truyền giáo vùng núi, em chưa bao giờ có bổng lễ từ giáo dân, nhưng tâm nguyện tu sĩ dẫn em tới đời truyền giáo với người dân tộc bừng cháy sáng trong hồn… Ở với người thiểu số, em yêu văn hóa riêng biệt và tính tình chất phát người vùng núi. Em mê đồi núi chập chùng xanh xanh đậm đặc huyền ảo mỗi khi chiều về. Em nói qua thiên nhiên, em nhận ra hình dạng của Thiên Chúa ngọt ngào bao la! Em yêu cỏ dại và cơm nếp ống tre miền thượng du. Lần đầu tiên, có dịp về thăm nhà, em khệ nệ bê về biếu Bố Mẹ những ống tre cơm nếp đặc sản. Giáo dân họ gửi, họ nói, “Chúng con không có gì quý giá, chỉ có nếp thơm vùng núi. Kính biếu ông bà Cố.”
Em vẫn nhớ, khi thấy ống nếp tre, mẹ mặt không vui, nói nhỏ,
 — Gạo nếp! Bố mày tiểu đường, sao ăn được đồ ngọt!
Lời giáo dân đi kèm với món quà đặc sản thượng du, em ngần ngại, cuối cùng em chọn yên lặng, không nói thêm chi.
Giờ này nghe Mẹ kể chuyện mấy ngàn đô bà Cố cha X nhận được quà biếu Tết, em nói (với tôi), ở đầu dây điện thoại bên này, em rớt nước mắt.
Tôi nghĩ thầm trong bụng, giờ phút nghe Mẹ càm ràm cơm nếp, chia sẻ xa gần chuyện Cha X, đi tu với em, chắc chắn là không dễ rồi!

"NGƯỜI Bề Trên"
Em thỉnh sinh, tánh “bất khuất,” không thích luồn cúi, có lẽ bởi em lớn lên bên Mỹ.
Em hay đặt vấn đề mới tinh khôi chưa nghe (hay ít nghe) ai nói bao giờ. Có lần em nói, sao em thấy người Công giáo Việt Nam có khuynh hướng hay băn khoăn với những lỗi lầm liên quan tới tính dục, nhưng rất ít khi thấy tín hữu Việt trăn trở với những bóng đen liên quan tới phạm trù công bằng và bác ái, thí dụ khai thuế nhập nhằng, nhặt đồ của hãng cho vào túi.
Học xong ngành Xã Hội học tại đại học lừng danh Berkley, điểm tối ưu, tưởng em sẽ vô Sở Xã Hội làm việc; nhưng không, em nộp đơn vô dòng!
Trước ngày nhập dòng, em tiện đường, ghé ngang gặp tôi, chào. Em vui lắm! Tôi cũng vui theo bởi thấy em tuổi trẻ giờ này hào hứng chọn đường bán tất cả, quay lưng lại với lời gọi danh vọng, đi theo Đức Giêsu nghèo khó!
Hơn năm sau, tôi gặp lại em sau thánh lễ. Hào hứng, tôi hỏi ngay,
— Đời tu sao rồi, con trai?
Nghe tôi sôi nổi hỏi tới, thật bất ngờ, em tự dưng mặt buồn thiu; em không nói thêm một lời, nhưng buồn bã bỏ đi!
Ngày hôm sau gặp tôi trong văn phòng, em kể,
— Con gặp khó khăn với bề trên. Họ nói con cứng đầu, không hợp với đời sống tận hiến…
Biết tính khí “bất khuất” của em, tôi cẩn thận hỏi,
— Con làm gì mà họ nói con cứng đầu?
Em kể,
— Con thấy cha Bề Trên hay đặt vào chức vụ những thỉnh sinh có mối liên hệ với ngài, nhất là những thỉnh sinh hiền hiền, biết… (Em tự dưng ngập ngừng, nói nho nhỏ) biết nói ngọt với bề trên. Lần đó, tới phiên con gặp ngài trong văn phòng. Con nói ra những điều trằn trọc suy nghĩ gần năm qua. Con nói vừa xong, cha Bề trên la con, nói con bướng, cứng đầu, suy đoán theo cảm tính…
Em yên lặng, sau cùng kết luận,
— Con về phòng! Sau một đêm suy nghĩ, con gặp cha Linh Hướng. Trình bày với ngài vấn đề…
Tôi e dè hỏi,
— Rồi cha Linh hướng nói gì với con?
Em nói ngay,
— Cha Linh hướng nói có thể con không hợp với Dòng đó. Nhưng còn nhiều Dòng khác để con thăm viếng. Nếu Chúa gọi con sống đời sống tu trì, không ai có thể cản ngăn được con.

Đi Tu! Dễ Hay Không?
Chuyện Tu sĩ Giêsu về quê, gặp “người hàng xóm,” bị họ coi thường bởi quá khứ thợ mộc. Đi tu rõ ràng không dễ bởi “người hàng xóm!”
Em Tu sĩ Ghana, Em Tu sĩ Thượng Du, đi tu với em rõ ràng không dễ cũng bởi “người thân trong gia đình!”
Em Thỉnh Sinh, đi tu không dễ với em, bởi “người bề trên.”
Đi tu! Thật tình không dễ!

Nguyễn Trung Tây
Nguồn: Nguyệt San Trái Tim Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp 395 (Tháng 7, 2019)


Comments

Popular Posts