Đài SBS Phỏng Vấn LM Nguyễn Trung Tây: “Chúng tôi đến với Thổ dân và sống với Thổ dân, chứ không phải… ngược lại!”


Tháng 12 năm 2009, một Linh mục người Việt có nguồn gốc tị nạn rời phố đông Melbourne lên phố nhỏ sa mạc Alice Springs sinh sống cùng Thổ dân Úc Châu. Linh mục Nguyễn Trung Tây chia sẻ với SBS Vietnamese những trải nghiệm của ông sau 4 năm đắm mình trong vùng đất và văn hóa đặc trưng của người Thổ dân Úc.

Sinh ra tại Sài Gòn, năm 1982, thuyền gỗ PB706 mang ông tôi tới Pulau Bidong sau bốn ngày lênh đênh trên sóng nước Vịnh Thái Lan. Năm 1984 ông được tái định cư ở San Jose, Thung Lũng Hoa Vàng, Hoa Kỳ. Năm 2002, ông được thụ phong Linh Mục cũng tại đây.

Năm 2006, ông nhận công tác dạy Kinh Thánh tại trường Đại Học Yarra Theological Union ở Box Hill, Melbourne, Úc châu. Năm 2009, ông chuyển công tác lên sa mạc miền trung Úc châu, sinh hoạt với cư dân phố Alice Springs và Thổ dân Úc Châu trong sa mạc này.

Năm 2016, ông rời Úc sang Philippines, đang theo học ngành Truyền Giáo Học (Missiology) tại Đại Học Divine Word Institute of Mission Studies (DWIMS) Tagaytay, Philippines.


SBS Trinh Nguyễn: Thưa, duyên cớ nào đặc biệt đã đưa đẩy một Linh mục người Việt có nguồn gốc tị nạn, từng chịu chức ở Mỹ, rồi làm việc ở Melbourne, lại lên Bắc Úc truyền giáo – trải nghiệm cuộc sống trên vùng đất còn đậm nét văn hóa của người Thổ dân?

LM Nguyễn Trung Tây: Cô Trinh Nguyễn hỏi duyên cớ hay là cơ duyên nào đã mang tôi từ Mỹ qua sa mạc Úc Châu truyền giáo thì thật sự ra cũng không có chi đặc biệt. Từ Chicago, tôi qua Melbourne, rồi vô sa mạc Úc Châu, và hiện tại đang sinh hoạt tại Philippines, tất cả những thay đổi này bình thường xảy ra cũng bởi tôi là một nhà truyền giáo. Khi có nhu cầu, tôi lại lên đường, nhận nhiệm sở mới tại vùng đất mới, làm quen với nền văn hóa mới, và sống với sắc dân mới. Và cứ như vậy, tháng 12 năm 2009, tôi rời phố đông Melbourne lên phố nhỏ sa mạc Alice Springs sinh hoạt với Thổ dân Úc Châu.

SBS Trinh Nguyễn: Xin Linh mục nói một chút về Alice Springs, cảm nhận của ông khi lần đầu đến với vùng đất sa mạc này?

LM Nguyễn Trung Tây: Phố Alice Springs nằm giữa nước Úc, chính xác là giữa Darwin and Adelaide. Dân số trên dưới 28 ngàn người. Mùa hè nóng khoảng 43, 44 độ C. Mùa đông tối tối nhiệt độ rớt xuống - 1 đến - 2 độ âm. Bởi phố nhỏ, khỏi nói, độc giả cũng có thể đoán tôi đi đâu cũng gặp giáo dân, đi bộ ngoài đường, vô tiệm sách, tạt vô quán ăn, vô thương xá, đi đâu cũng gặp “quân ta.” Thiên hạ rộn ràng gọi tên...

Alice Springs cũng là phố du lịch, du khách của nhiều nước trên thế giới thường xuyên ghé đến. Thông thường họ bay tới Alice Springs, nghỉ ngơi và thăm viếng những thắng cảnh chung quanh phố. Sau đó họ sẽ lái xe 5 tiếng để tới thăm hòn đá Uluru đổi màu nổi tiếng của Thổ dân Úc Châu.

Alice Springs cũng là một thị trấn đa văn hóa, Thổ dân nhé, Úc Châu, rồi Phi Luật Tân, Ấn Độ, người Phi Châu, quần đảo Thái Bình Dương... Thánh lễ Alice Springs rất đặc biệt, trong thánh lễ, tín hữu của khác sắc tộc đứng cạnh nhau, thưa và đáp rộn ràng trong tiếng Anh. Nhưng sau thánh lễ, ngoài sân nhà thờ, Phi Luật Tân đứng một bên, Ấn Độ đứng một bên, Úc và những sắc tộc khác thì đã ra bãi đậu xe lái xe về nhà. Phi Luật Tân thì tiếng Tagalog và tiếng Anh lẫn lộn. Ấn Độ thì tiếng Ấn. Còn lại, tôi, đứng ở giữa, lâu lâu ghé qua bên Phi Luật Tân chia sẻ một vài câu vô thưởng vô phạt, đôi khi nhích qua phía Ấn Độ một thoáng lắng nghe tâm sự của người xa quê Ấn mới đặt chân lên đất Úc.

SBS Trinh Nguyễn: Thật thú vị khi nghe rằng Alice Springs cũng là một thị trấn đa văn hóa. Con người sinh sống ở Alice Springs tâm tính thế nào thưa Linh mục?

LM Nguyễn Trung Tây: Alice Springs nằm lẻ loi giữa sa mạc, nhỏ bằng một góc của Melbourne, phố chính có vài ba khu thương xá, đi khoảng hai mươi phút là hết phố. Bởi là phố sa mạc, dân cư thưa thớt, người Alice Springs nổi tiếng là thân thiện. Gặp nhau thiên hạ bắt tay nói chuyện tưng bừng, cứ như bạn bè từ muôn kiếp. Lái xe trên xa lộ sa mạc, tài xế giơ tay chào tài xế đang lái xe hướng đối diện. So sánh với những thành phố tôi đã sống, Sài Gòn, San Jose, San Diego, Chicago, và Melbourne, tôi thấy người Alice Springs vui vẻ và thân thiện lắm.

Những nhà truyền giáo Dòng Ngôi Lời chúng tôi sống tại nhà thờ Trái Tim Đức Mẹ, nằm cạnh ngay Anzac Hill của phố Alice Springs. Nhà thờ này nguyên thủy được thành lập bởi Dòng Thánh Tâm năm 1929. Cách đây khoảng 20 năm, bởi thiếu thốn nhân sự, Dòng Thánh Tâm rút khỏi đây, nhường lại một vùng sa mạc mênh mông cho Dòng Ngôi Lời. Cộng đồng Ngôi Lời tại sa mạc Úc Châu coi sóc hai nhà thờ cách nhau một tiếng lái xe, Nhà thờ Trái Tim Đức Mẹ và Nhà thờ Thánh Terêsa.

SBS Trinh Nguyễn: Một ngày làm việc của Linh mục ở đây như thế nào? Ông có thể chia sẻ công việc mục vụ trong cộng đồng Thổ dân ông đã làm ở đây có những gì đặc biệt?

LM Nguyễn Trung Tây: Một ngày sa mạc của tôi rất rộn ràng, sáng làm lễ tại phố chính, rồi là họp hành: họp với Thổ dân, họp với Liên Tôn Giáo, họp với các Linh mục Ngôi Lời, trả lời điện thoại; chiều đi thăm giáo dân tại bệnh viện Alice Springs, hoặc ghé vào hai viện Dưỡng Lão của người Úc và của Thổ Dân thăm viếng, hoặc dừng chân tại trại tù Alice Springs thăm người lầm lỡ, tối họp hành với các chương trình mục vụ khác: Legio Maria, Giới Trẻ, Lớp Kinh Thánh, St Vincent de Paul, dạy Giáo Lý Rửa Tội, đủ cả. Cứ thế, một ngày trôi qua. Cũng có nhiều buổi sáng tôi không có họp hành chi hết, nhưng lái xe đi công tác tới thôn làng của Thổ dân, xa nhất là Yunedumu 289 cây số hướng đông của Alice Springs, gần hơn thì có làng Thổ dân Gilleon Bore, Burt Creek, Corkwood, Sandy Bore nằm dọc theo xa lộ huyết mạc Stuart Highway 87 nối liền Darwin và Adelaide. Những lần công tác mục vụ như vậy thông thường có thể một, ba, hoặc bốn ngày. Có những lần công tác tại Darwin, tôi cũng ghé vào đảo Tiwi (Bắc Úc) và phố nhỏ Daly River (nằm về hướng nam của Darwin) sinh hoạt với Thổ dân một khoảng thời gian.

Sau khi hoàn thành công tác, tôi lái xe hoặc bay về lại phố chính Alice Springs. Ở phố chính, một vòng tròn sinh hoạt mục vụ thường nhật lại quay tròn.

SBS Trinh Nguyễn: Xin nói về con người Thổ dân Úc châu trong mắt Linh mục? Ví dụ, thử lý giải vì sao họ bị thua thiệt nhiều so với cộng đồng chính mạch, có phải vì hoàn cảnh lịch sử địa lý? Bị đàn áp tiêu diệt, vì sống trong những vùng ‘đất cho ăn đá gà ăn muối’? Hay vì họ không chịu thoát ra khỏi lối sống dựa vào hoạt động hái lượm? Hay vì họ không được tôn trọng thực sự và không được tạo điều kiên để thăng tiến – như người NZ đối với Thổ dân Maori?

LM Nguyễn Trung Tây: Người Việt Nam có nói, “Vô tri bất mộ” tức “Không biết (thì) không yêu”. Thổ dân Úc Châu là một trong những dân tộc bị hiểu lầm nhất trên thế giới. Cái hiểu lầm này rất tiếc bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết về nền văn hóa của Thổ dân Úc Châu. Sự thiếu hiểu biết dẫn đến đầu óc thành kiến. Từ thành kiến dẫn đến nét thiếu thiện cảm là một con đường không xa.

Người Thổ dân Úc Châu họ đã có mặt tại lục địa Châu Đại Dương (dựa vào tài liệu khảo cổ học) hơn 40,000 ngàn năm. Trong khi đó, Cô Trinh Nguyễn cũng biết, người Việt chúng ta hãnh diện với dòng lịch sử dài hơn 4,000 năm. Mang hai con số này ra để cạnh bên nhau để độc giả của đài SBS cảm nghiệm được chiều dài mênh mông của một trong những nền văn hóa trên thế giới.

   Alice Springs connects Township Yudumune
   Đường đất nối liền Alice Springs và Township Yudumune | Photo: LM Nguyễn Trung Tây

Tôi tin (tôi) có thể nói từ ngày này qua ngày khác về chất du mục của người Thổ dân Úc châu, về nhà cửa, lương thực, tôn giáo, xã hội, văn hóa, nhưng hẹn một dịp khác chỉ xin trình bày ra đây vài nhận xét cá nhân của tôi sau thời gian ở Alice Springs.

Tôi nhìn thấy người Thổ dân Úc Châu thực sự đã phát triển và hệ thống hóa một nền văn hóa du mục có chiều dọc với tôn giáo Dreaming Time, và chiều ngang với mối tương quan mật thiết giữa các thành viên trong gia đình và xã hội. Thổ dân Úc Châu vùng sa mạc Central Australia có một câu thành ngữ diễn tả về đời sống du mục bộ tộc của họ khá nổi tiếng, “I am, because we are.”

Nếu nói “họ không chịu thoát ra khỏi lối sống dựa vào hoạt động hái lượm” thì cũng đúng mà cũng không chính xác cho lắm. Đúng ở chỗ đó là cách chúng ta đứng và nhìn vào hiện tượng từ góc nhìn của chúng ta, dân định cư. Nhưng nếu chúng ta nhìn vấn đề từ góc nhìn của họ, Thổ dân, tôi thấy vấn đề nó khác. Tôi nhớ khi mới đặt chân tới Hawaii, nhìn chung quanh là biển cả mênh mông, tôi nói với tù trưởng bộ tộc là, “Dân quần đảo Thái Bình Dương sống cách xa nhau bởi đại dương / The Polynesians are separated by the ocean.” Nhưng người tù trưởng đó trả lời ngay, “Không! Đại dương đã nối kết chúng tôi lại gần với nhau / No! We are actually connected through the ocean.” Qua câu chuyện này, tôi học được bài học của con số 6 hoặc số 9. Đứng nhìn từ lăng kiếng riêng của mình, cái nhìn của tôi rất hạn chế, cái nhìn đó không phải là một cái nhìn tổng thể (inclusiveness).

SBS Trinh Nguyễn: Đến đây thì Linh mục có thể giải thích thêm một chút về góc nhìn – làm sao chúng ta, dân định cư, có thể tìm cho mình một vị trí gần với người Thổ dân nhất để nhìn họ? Trong vai trò của một Linh mục, ông đã xích lại gần người Thổ dân như thế nào?

LM Nguyễn Trung Tây: Đối với Thổ dân, du mục là nền văn hóa riêng biệt của họ. Mà khi nói về văn hóa, nền văn hóa nào cũng có điểm tốt, nét đẹp và giá trị riêng… Để đánh giá một nền văn hóa, bao giờ những nhà Nhân Chủng và Truyền Giáo cũng nhìn vào ba yếu tố căn bản: Điểm Tốt (Good), Giá Trị Riêng (True) và Nét Đẹp (Beautiful). Điểm tốt nổi bật của văn hóa Thổ dân là hệ thống bộ lạc (chiefly system) và đời sống cộng đồng (communal life). Giá trị riêng của văn hóa Thổ dân Úc Châu là văn hóa du mục Úc Châu, có niềm tin riêng, có nét xã hội riêng. Nét đẹp của văn hóa Thổ dân Úc Châu nổi bật qua nghi thức tang lễ và tôn giáo Dreaming Time.

Dựa vào đời sống của những người Thổ dân mà tôi đã có dịp tiếp xúc tại sa mạc Úc Châu và Bắc Úc, tôi thấy họ vẫn thích và quen thuộc với sống đời sống du mục. Tôi nghĩ bởi dòng máu du mục vẫn con luân lưu trong huyết quản (Chúng ta đừng quên những người di dân Âu Châu đặt chân lên Úc Châu từ những ngày cuối của thế kỷ 18. Giao tiếp và xung đột giữa hai nền văn hóa của Úc Châu mới xảy ra chỉ trong vòng trên 200 năm). Và hơn thế nữa, đời sống du mục đã tạo ra căn tính của Thổ dân Úc Châu. Bố đi săn bắn mang lương thực về gia đình để mẹ trong túp lều nấu nướng cho con cái ăn. Bố đứng bên ngoài túp lều trông coi, giữ gìn gia đình trong khi Mẹ ở trong bếp dậy dỗ dưỡng nuôi con. Nếu mất đi những nét riêng biệt này, Thổ dân sẽ trở nên giống như cá, bị bắt mang lên bờ, nằm thở thoi thóp. Điều này chúng ta thấy cũng xảy ra với người Việt Nam. Rất nhiều người Việt lớn tuổi không hội nhập vào được với nền văn hóa của quốc gia thứ hai, nơi họ tái định cư.

Tôi nghĩ, nhìn dưới lăng kiếng nhân chủng học, chúng ta nên tôn trọng Thổ dân. Chính quyền Úc Châu và chúng ta những người làm việc với Thổ dân nên giúp họ sống đời sống du mục trong cái ý nghĩa tốt đẹp nhất của danh từ đời sống du mục. Hãy để Thổ dân Úc Châu tự quyết định sống đời du mục hay sống đời định cư.

Bàn về vấn đề này, tôi nhớ Dòng Ngôi Lời chúng tôi, trong khi làm việc với Thổ dân Úc Châu, chúng tôi học ngôn ngữ Thổ dân và cố gắng giao tiếp với người dân qua ngôn ngữ của chính họ. Ngoài ra, dù đường xa tới đâu, chúng tôi vẫn lái xe tới, sinh hoạt với họ trong những ngôi làng của họ, tổ chức thánh lễ ngay trên sân nhà của Thổ dân. Nói ngắn gọn, Dòng Ngôi Lời chúng tôi đến với Thổ dân và sống với Thổ dân, chứ không phải là ngược lại.

 Người Thổ dân Úc (Supplied by Nguyen Trung Tay)

SBS Trinh Nguyễn: Chúng ta có thể học được gì từ người Thổ dân Úc, có thể làm được gì cho người Thổ dân Úc trong bối cảnh National Reconciliation Week 2017, Hội nghị Thổ dân và Kỷ niệm 50 năm cuộc trưng cầu dân ý về người Thổ dân Úc vừa diễn ra?

LM Nguyễn Trung Tây: Nếu nói chúng ta có thể học được điều gì từ người Thổ dân Úc Châu, câu trả lời chính xác nhất mà tôi có thể nói ngay là dân định cư nên học điều này từ Thổ dân Úc Châu, đó là:

— Trái Đất, Vườn Địa Đàng không phải chỉ thuộc về con người, mà là của tất cả những sinh vật có mặt trên địa cầu.

Không biết từ bao giờ, con người nghĩ là mình là chủ nhân của Trái Đất, bởi thế chúng ta phun khói xăng ngập trời vào bầu khí quyển; chúng ta chặt bỏ rừng xanh, xây dựng đô thị xe cộ chạy kín đường phố; chúng ta đổ ra sông ra biển không biết bao nhiêu hóa chất giết chết bao nhiêu sinh vật của biển; chúng ta săn bắn thú vật, ngà voi, sừng tê giác, nhồi bông thú hiếm, trưng bầy trong phòng khách.

Không biết từ bao giờ, con người nghĩ chỉ có mạng người mới là quý giá mới cần phải tôn trọng, còn lại tất cả chỉ là thứ yếu. Điều này không đúng! Tất cả những thứ gì xuất hiện trên Trái Đất, do Ông Trời tạo thành, do Mẹ Đất dưỡng nuôi, đều có những mối tương quan mật thiết với nhau.

SBS Trinh Nguyễn: Theo nhận xét của Linh mục, người Thổ dân Úc có cái nhìn, cách nghĩ hoàn toàn khác về mẹ thiên nhiên, về môi trường sống. Chắc chắn cách hành xử của họ trước thiên nhiên cũng khác với những người không phải là Thổ dân?

LM Nguyễn Trung Tây: Thổ dân Úc Châu dạy dỗ con cháu phải biết tôn trọng môi trường sống, không tàn phá rừng cây cho lợi nhuận của riêng cá nhân mình, không săn bắn thú vật như là một trò tiêu khiển một môn thể thao, nhưng ngược lại tôn trọng sinh vật và môi trường sống của riêng từng loại sinh vật đó. Bắc Úc, nơi sông biển có nhiều cá sấu nước mặn sinh sống, Thổ dân dạy dỗ con cháu họ phải biết tôn trọng lãnh địa của cá sấu, đừng bao giờ tắm ở dòng sông hoặc bờ biển khúc đó, bởi đó là giang sơn, linh địa của cá sấu. Trong tâm thức đó, Thổ dân Bắc Úc đã sống với cá sấu nước mặn cả bao nhiêu ngàn năm nay.

Trong cái cận ảnh một ngày rất gần, tiến trình tự hủy diệt môi trường sống do con người tạo ra không còn cứu vãn được nữa, Thổ dân Úc Châu và triết lý tôn trọng môi trường và đời sống xuất hiện trên Trái Đất trở nên một bài học quý giá cho tất cả mọi người trên địa cầu học hỏi. Chúng ta không phải chỉ là sinh vật duy nhất có mặt trên địa cầu. Cây cối, thú vật, cá chim, ong kiến, côn trùng, dế giun, đều là hàng xóm của con người. Nếu chúng ta tiếp tục không tôn trọng đời sống của ‘hàng xóm’, chúng ta đang dẫn chính chúng ta tới con đường diệt vong.

SBS Trinh Nguyễn: Làm công tác mục vụ ở Alice Springs, Linh mục có dịp quan sát cuộc sống của cộng đồng người Việt tại đây. Xin Linh mục chia sẻ về sự sinh sống của người Việt cũng như những mối liên hệ và tình cảm của họ đối với chủ nhân truyền thống của vùng đất – cộng đồng Thổ dân Úc ở đây.

LM Nguyễn Trung Tây: Cộng đồng Việt Nam sinh sống tại Alice Springs vào thời gian tôi sinh hoạt với Thổ dân Úc Châu chỉ có trên dưới khoảng mười gia đình... Người Việt mà, lại là người Việt viễn xứ, cho nên thông thường chúng tôi gặp nhau là ăn uống, gỏi cuốn, phở Bò, cháo gà, cháo vịt, cháo lòng heo, tưng bừng. Tết Tây, Tết Ta, Giáng Sinh họp mặt, lại ăn. Vui lắm!

Nói chung người Việt tại Úc không có cơ hội làm việc và sinh hoạt thường nhật với Thổ dân Úc Châu, cho nên không biết và hiểu nhiều về nền văn hóa Thổ dân, bởi thế thông thường người Việt, nói riêng, và các sắc tộc khác, nói chung, không có nhiều thiện cảm với chủ nhân truyền thống của châu Đại Dương. Nhưng tôi quen biết với rất nhiều người dân của phố Alice Springs, sau một thời gian chung sống với hàng xóm là Thổ dân, đặc biệt nhất, sau khi hiểu sâu về những nét đặc thù của một nền văn hóa dài hơn 40,000 năm, nhiều người bạn của tôi thay đổi một góc 180 độ, họ trở nên trân trọng và yêu quý Thổ dân rất nhiều.

 Alice Springs
Một góc trời sa mạc và đường đất Alice Springs | Photo: LM Nguyễn Trung Tây

SBS Trinh Nguyễn: Xin nói về cảm nhận cá nhân của Linh mục sau thời gian làm việc tại đây và có dịp hít thở cùng bầu không khí, đi cùng những con đường mà người Thổ dân đi qua mỗi ngày. Yêu thương? Thấu hiểu? Nếu được, xin hãy so sánh trước và sau thời gian đến Alice Springs làm việc để thấy được sự khác biệt.

LM Nguyễn Trung Tây: Điều làm tôi vui nhất là từ ngày tôi chuyển công tác về Alice Springs, đời sống tinh thần của tôi tự nhiên nở rộ, thăng hoa. Cả gần mười năm rồi, từ ngày tôi bước lên bàn thánh vào năm 2002, tôi được biệt phái dậy học và phụ trách chương trình tu đức cho các thầy Ngôi Lời tại Mỹ cũng như Úc. Cho tới cuối tháng 12 năm 2009, tôi chuyển công tác về Alice Springs công tác mục vụ, đặc biệt với người Thổ dân của vùng sa mạc Úc Châu. Từ những ngày của cuối tháng 12 năm 2009 cho tới nay, tôi thường xuyên lái xe với anh em Ngôi Lời vô thôn làng Thổ dân sinh hoạt và công tác.

Tôi nhớ, biết tánh tôi ưa nói chuyện tiếu lâm, có lần có người vui miệng nói, người Thổ dân chắc vui lắm khi gặp tôi tại thôn làng. Tôi nghĩ, rồi tôi nói, “Tôi không biết người Thổ dân nghĩ sao khi gặp tôi trong công tác mục vụ. Nhưng tôi biết tôi vui hơn nhiều, bởi qua mỗi lần tôi công tác với người Thổ dân, tôi thấy đời sống truyền giáo của mình càng thêm đậm đà ý nghĩa”.

Mà tình thiệt đúng là như vậy, dạy học bảy năm, tôi học hỏi được nhiều điều lắm. Nhưng chỉ mới đây, trong khi làm việc với người Thổ dân, tôi mới bắt đầu sờ được, cảm nghiệm sâu sa cơ duyên đã khiến tôi, năm 1991, rời bỏ tất cả, lên đường theo tiếng hoa nở rộ, và xanh tươi. Nếu phải nói, ai cần ai, tôi nghĩ phải thành thật mà nói, tôi cần người Thổ dân hơn nhiều; bởi không có họ, tôi không có cơ hội để cảm nghiệm ơn gọi tu sĩ truyền giáo.

SBS Trinh Nguyễn: Linh mục có tìm thấy điểm chung nào giữa mình – một người Việt có nguồn gốc tị nạn, và người Thổ dân Úc? Đắm mình trong vùng đất và văn hóa Thổ dân lâu như vậy, điều lớn lao nhất ông nhận ra cho chính mình là gì?

LM Nguyễn Trung Tây: Tôi yêu người Thổ dân bởi nét hiền hòa và thân thiện của họ. Tôi đồng cảm với người Thổ dân bởi chính bản thân tôi cũng là người đã mất rất nhiều. Biến cố năm 1975 đã đẩy tôi ra Biển Đông, từ đó tôi sống đời viễn xứ, buồn vui lẫn lộn.

Cho nên, có cả một khoảng thời gian dài 4 năm, tôi hít thở không khí trong lành sa mạc, gặp gỡ người sa mạc, chia sẻ buồn vui với cư dân sa mạc… Có một số người hỏi tôi đã làm gì cho người Thổ dân Úc Châu. Tôi suy nghĩ, cuối cùng tôi trả lời, “Thưa bác, thưa anh, thưa chị! Cả một khoảng thời gian dài sinh hoạt trong sa mạc, một cách rất thành thật tôi chưa làm gì khác hơn ngoài việc định cư và đồng hành với Thổ dân Úc Châu… Tôi đi với họ, tôi cười với họ, và đương nhiên, tôi cũng khóc với họ, giọt ngắn giọt dài. Họ vui, tôi vui theo. Họ buồn, tôi buồn theo. Tôi với Thổ dân Úc Châu là một. Đã có lần tôi nhìn thấy ngôi mộ của tôi đất ướt mới tinh khôi nơi vùng sa mạc giữa những ngôi mộ xanh xanh cỏ của Thổ dân Úc Châu! Đó là những việc tôi đã làm và thấy trong vùng sa mạc, không hơn không kém!

Đã có lần tôi nhìn thấy ngôi mộ của tôi đất ướt mới tinh khôi nơi vùng sa mạc giữa những ngôi mộ xanh xanh cỏ của Thổ dân Úc Châu!

Sa mạc Úc Châu, trời rét, Thổ dân và tôi đốt lửa ngồi sát bên nhau yên lặng ngắm nhìn giải Ngân Hà sáng lấp lánh tựa triệu triệu viên kim cương chớp sáng trên vùng trời đêm đen sa mạc. Trời lạnh, đúng ra, lạnh buốt, nhưng bởi ngồi bên nhau, Thổ dân và tôi, không ai còn cảm thấy lạnh nữa; độ ấm tình người và của lửa than hồng sưởi ấm đậm đà tâm hồn của riêng từng cá nhân cư dân sa mạc.

Sống và trải nghiệm hơn 4 năm với văn hóa Thổ dân, tôi tự nhiên nhớ tới câu ca dao, “Đi cho biết đó biết đây! Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn!” Khôn? Tôi chắc chắn không tới phiên mình. Nhưng tôi biết sống và làm việc với Thổ dân Úc Châu tôi thấy mình trưởng thành hơn nhiều, tôi càng ngày càng trở nên bao la và khoan dung, với mình và với tha nhân không phân biệt màu da và văn hóa.

--------------------------------
Linh mục Nguyễn Trung Tây thuộc Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời, nguyên gốc thuộc Tỉnh Dòng Chicago, Hoa Kỳ.
 (Nguồn: http://www.sbs.com.au/yourlanguage/vietnamese/vi/article/2017/06/26/chung-toi-den-voi-tho-dan-va-song-voi-tho-dan-chu-khong-phai-nguoc-lai?language=vi).

SBS Trinh Nguyễn

Comments

Popular Posts