Chuyện TU SĨ: Tu Sĩ Madagascar


 

Lời Dẫn
Tôi biết em, cũng bởi chung một dòng. Tôi gọi em Tu sĩ Madagascar, cũng bởi em sinh hoạt truyền giáo bên đó. Sinh ra tại vùng xứ Quảng, em tiếng Việt nghe lạ và hay lắm. Thấy hình em áo thun, sắn cao quần đùi, lấm lem tay chân, cấy lúa với giáo dân bản địa, ở dưới viết mấy chữ mang nét đặc thù vùng đất em sinh ra:
— …Chổng lên cấy ló với gấy…
Tôi phá ra cười, viết lại vài chữ phá em:
— Sao giai không lo làm vài ván lễ, mà Cụ lại chổng “khu” cấy “ló” với “gấy” như thế…
Em viết lại, nhái giọng Bắc của tôi.
— Có thực mới vực được đạo, quan bác ơi.

Có lần tôi viết email, nhưng không thấy em trả lời. Mãi sau mới nhận được vài hàng báo em ở giáo điểm đồng không mông quạnh mới về.
Có lần tôi thấy xe em ngập sâu trong bùn. Em nói tai nạn!


Có lần tôi thấy em cũng lại áo thun, quần đùi, chân đất nằm ngủ trên chõng tre đơn sơ. Em giải thích vừa mới cử hành xong một thánh lễ ở giáo điểm truyền giáo. Trong khi đang nằm nghỉ một vài phút chuẩn bị cho thánh lễ tiếp theo, tên nhóc giúp lễ cầm máy điện thoại chụp…


Có lần tôi thấy em mặc áo lễ trắng, đi chân đất, đơn sơ, tôi nói… “Cụ nhìn giống Đức Giêsu quá!”


Thấy đời sống em rộn ràng quá, tôi gợi ý em viết vài hàng về đời sống truyền giáo Madagarcar, em nhận lời.

Tu sĩ Madagascar
1. Kính chào Tu sĩ Madagascar, xin giới thiệu một vài hàng về tu sĩ tới độc giả của trang Niềm Tin Việt Nam.
Kính thưa quý độc giả! Chúng tôi là tu sĩ Ngôi Lời đang làm việc tại Madagascar, gồm nhiều quốc tịch khác nhau trên thế giới: Indonesia, Ba Lan, Ấn Độ, Philippines, Ghana, Việt Nam, và đương nhiên người bản xứ Malagasy.

2. Cám ơn Tu sĩ Madagascar! Tu sĩ đã làm việc ở Madagasca lâu chưa?
Vâng!… Chúng tôi đã và đang làm việc tại Madagascar được 30 năm rồi. Thời gian đầu tiên, năm 1989, chỉ có 4 nhà truyền giáo Ngôi Lời người Indonesia. Sau đó thêm nhiều tu sĩ của các quốc gia từ khắp thế giới lần lượt kéo tới. Riêng tôi, tôi đã sống đời truyền giáo tại hải đảo hơn 4 năm rồi.

3. Xin giới thiệu về công tác truyền giáo của Tu sĩ Madagascar?
Chúng tôi chủ yếu mục vụ tại các giáo hạt và giáo xứ vùng sâu vùng xa. Chúng tôi làm việc trong 4 giáo phận, gồm 4 giáo hạt. Mỗi một giáo hạt có khoảng 5-7 giáo xứ. Trong mỗi một giáo xứ có khoảng 7-10 giáo điểm truyền giáo. Đường kính trải dài địa bàn hoạt động của chúng tôi… tính sơ sơ… chỉ… khoảng… trên dưới 1,000 km.

4. Chỉ khoảng sơ sơ trên dưới 1,000 km thôi hè… Trong một địa bàn truyền giáo rộng lớn như vậy, tu sĩ có gặp khó khăn chi trong công tác truyền giáo không?
Thưa… Đường đi lại rất khó khăn, giao thông kém phát triển, có một vài lần xe bị lầy lội kẹt giữa đường; tuần nào lần tôi cũng chống gậy lên thác xuống đèo lần bước tới các giáo điểm. Đường bộ, cũng mất khoảng 5 tới 6 tiếng đồng hồ. Hầu hết vùng miền núi đều không có điện, thánh lễ tối chập chờn ánh đèn pin cục. Không điện, không sóng wifi, có muốn liên lạc với thế giới bên ngoài cũng chịu! Nguồn nước ngọt có chỗ cũng thiếu. Gặp trường hợp không có nước ngọt, mọi người uống nước sông nước suối. Các tu sĩ ở đây phải sử dụng 2 ngôn ngữ chính: Pháp ngữ và tiếng Malagasy (ngôn ngữ địa phương). Tôi gốc Việt nên giờ này nói tiếng Việt riêng cho một mình mình và chim rừng nghe mà thôi (Cười toe toe)!

5. Cám ơn nụ cười thân thiện của Tu sĩ! Ngài sinh hoạt đời truyền giáo ở xứ lạ, nỗi buồn niềm vui chắc cũng lẫn lộn… Tu sĩ có niềm vui nào không?
Vâng! Vui buồn lẫn lộn. Buồn không thiếu! Nhưng niềm vui cũng dư thừa. Khí hậu Madagascar mát mẻ dễ chịu lắm. Con người ở đây cũng thân thiện và hài hòa. Hầu như 80 % dân số đều đi bộ. Không có xe máy như Việt Nam hoặc xe hơi như Mỹ! Tình hình chính trị tương đối ổn định, chính quyền rất thân thiện với các nhà truyền giáo. Giáo dân cũng nhiệt tình cầu nguyện và tham dự thánh lễ. Điều đặc biệt nhất, trong mỗi thánh lễ, tất cả mọi người đều hát và nhảy rất sinh động. Chi tiết này khá lạ với giáo dân Việt Nam, thánh lễ Việt Nam cũng hát, nhưng giáo dân không nhảy múa. Tôi ở đây sinh hoạt cũng khá lâu rồi, nhảy múa trong thánh lễ cũng kha khá, giờ cũng không kém chi giáo dân bản xứ. Sợ, có nhiều khi còn hơn; cũng bởi hứng chí, nhảy mừng hân hoan như thánh Gioan Tiền Hô (Lại cười toe toe!).

6. Tại sao ngài lại “xâm mình” chọn hải đảo Madagascar vậy?
Thưa… Cũng chỉ đơn giản thôi… Vì địa bàn Madagascar cần nhiều nhà truyền giáo. Mỗi năm Cha Tổng Quyền gửi lá thư luân lưu đi khắp nơi trên thế giới và mời gọi tất cả các nhà truyền giáo Ngôi Lời hãy ưu tiên cho công tác truyền giáo tại Phi Châu. Tôi nghĩ về lời mời gọi dấn thân của Cha Tổng Quyền một khoảng thời gian dài… Sau cùng, tôi quyết định…

7. Hồi đó sao ngài lại đi tu? Mà lại chọn tu sĩ truyền giáo?
Quan bác hỏi quan em câu hỏi khó trả lời quá. Thôi! Chuyện là thế này. Hồi còn nhỏ, em không hiểu gì về đi tu. Chỉ biết đơn giản là đi tu cũng có nghĩa là làm linh mục, và linh mục giáo phận. Nhưng lớn lên và học đại học thì tìm thấy ơn gọi tu sĩ; và sau này càng tìm hiểu thì em lại càng yêu mến cuộc sống truyền giáo và đặc biệt là truyền giáo quốc tế. Vì cuộc sống truyền giáo quốc tế mang lại cho bản thân nhiều nét khác nhau về văn hóa, khí hậu, thức ăn, ngôn ngữ, tập quán... Được khám phá nhiều vùng miền khác nhau của thế giới, được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau của cộng đoàn tu sĩ quốc tế. Ông bà mình nói, “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn.” Khôn, em không có phần! Nhưng thấy bản thân mở mắt nhận ra được nhiều nét đẹp của thế giới, đặc biệt nơi vùng hải đảo xa xôi của Châu Phi. Càng làm việc với người bản địa, em càng yêu người mình đang phục vụ. Càng lấm lem chân đất cấy lúa với giáo dân, em càng thêm yêu đời tận hiến!

8. Cám ơn Tu sĩ Madagascar cho những chia sẻ! Ngài có lời chi muốn gửi tới bạn đọc của trang Niềm Tin Việt Nam hay không?
Xin cám ơn quan bác! Xin độc giả cầu nguyện cho chúng tôi là những nhà truyền giáo tại Phi Châu, thiếu thốn nhiều điều kiện vật chất cũng như tinh thần. Cánh đồng truyền giáo ở đây quá rộng lớn và cần rất nhiều dấn thân của các nhà truyền giáo. Xin hãy cầu nguyện để Chúa ban cho có nhiều ơn gọi truyền giáo tại Madagascar. Ước gì những hình ảnh về công tác truyền giáo nơi vùng sâu vùng xa của Madagascar được biết đến nơi mỗi bà con giáo hữu.

Xin Thiên Chúa chúc lành tới đời sống truyền giáo của mỗi người Kitô hữu chúng ta.


  
Lời Kết
Có một thời dài tôi đã sinh hoạt truyền giáo tại sa mạc Úc Châu. Nhiều khó khăn, nhiều thử thách. Đã có nhiều lần tôi lang thang trong sa mạc một mình hằng giờ để đến những ngôi làng của thổ dân Úc Châu. Trời nắng chói chang đổi mầu tóc đen phương Đông. Sa mạc trải dài mênh mông ngút ngàn không một bóng người. Trên đầu trời nắng cháy không một cánh chim. Dưới đất nhện độc, bọ cạp, rắn và cả ngàn côn trùng không biết tên. Nhưng vào những giây phút khó khăn của đời truyền giáo, tôi lại cảm nghiệm thêm sâu xa về ơn gọi truyền giáo của riêng mình. Tôi yêu Đức Giêsu truyền giáo, cảm nghiệm những đơn côi trăn trở của Tông đồ nhiệt thành Phaolô! Tôi hiểu nhiều hơn về lời mọi gọi của tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng” 49: “…Hãy bước ra đường, lấm lem bùn đen,” để hòa mình vào với nhịp đập trái tim của thế giới, đặc biệt thế giới của người nghèo!

Xin cám ơn Tu sĩ Madagascar đã dấn thân đi xa tới hải đảo Madagascar sinh hoạt truyền giáo với người dân bản xứ. Xin Thiên Chúa chúc lành ngài để ngọn lửa truyền giáo tiếp tục bừng cháy trong tâm hồn. Một lần nữa xin được cám ơn em, chàng trai nước Việt, Tu sĩ Madagascar.

Nguyễn Trung Tây
Nguồn: Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp 396 (Tháng 8, 2019): 40-41

Comments

Popular Posts