Sức Mạnh của Sự Im Lặng của Thiên Chúa - LM Edgar Javier SVD
LM Edgar Javier SVD với Hội Người Việt Nam tại Tagaytay Tết 2020
Im lặng là một hình
thức giao tiếp của con người. Đó là một thứ ngôn ngữ đặc biệt giữa ngôn ngữ bằng
lời và ngôn ngữ không lời. Im lặng, giống như đồng tiền, có hai mặt, một tích cực,
và mặt kia thì tiêu cực. Im lặng, người ta tin tưởng, có thể thúc đẩy hoặc cũng
có thể cản trở những giao tiếp và ngay cả những mối quan hệ.
Bàn về sự im lặng
là một sự liều lĩnh. Bật lên một tiếng nói – một chữ – về sự im lặng cũng đồng
nghĩa với phá tan ý nghĩa và bản chất của sự im lặng. Và nếu im lặng có thể lên
tiếng nói cho chính nó, chúng ta có cần phải tranh luận về im lặng trong sự im
lặng hay không? Im lặng là sự vắng mặt của lời, nhưng, cũng là một hình thức của
giao tiếp, im lặng thật sự ra là một loại ngôn ngữ có sức mạnh phi thường.
Một vài năm trước đây,
bố tôi nằm trên giường bệnh đợi giờ chết bởi ung thư. Hai ngày trước khi ông mất,
ông nhờ những đứa con đến đón mẹ của ông đang sống tại một ngôi làng. Bà cũng đang
nằm liệt giường bởi tuổi già. Khi đặt chân tới căn nhà của bà nội, chúng tôi ngạc
nhiên nhận ra bà đang ngồi trên ghế sofa. Chúng tôi biết bà nội đã không còn khả
năng đi đứng cũng khá lâu rồi. Cho nên chúng tôi hỏi ai đã giúp bà ngồi trên ghế.
Trước sự ngạc nhiên của những đứa cháu, bà nói, “Bố các cháu đã tới và mang bà
tới đây để bà có thể ngồi trên cái ghế sofa này.” Chúng tôi không thể tin được điều
bà nói. Nhưng bà nội cũng không thể nói dối! Chúng tôi đã giữ im lặng bởi chính
chúng tôi cũng không hiểu.
Khi chúng tôi với bà
nội về tới nhà, bố tôi và mẹ của ông – bà nội yêu dấu của chúng tôi – đã có một
cuộc đối thoại tuyệt vời – trong im lặng. Đó là một cuộc đối thoại không lời. Đôi
mắt yêu thương của họ gặp nhau và cả hai đều mỉm cười. Tôi đã cố gắng diễn giải
những gì tôi chứng kiến giữa bà nội và bố tôi. Và đây là diễn giải của riêng tôi
về một cuộc đối thoại trong yên lặng giữa
họ. Tôi tin rằng bố tôi đang nói lời từ
biệt với mẹ của ông, trong khi bà nội đang nói là hãy để mẹ mang lấy cơn đau và
nỗi khổ của con. Một điều thường tình, người mẹ bao giờ cũng mong ước gánh vác nỗi
khổ cho con cái của mình. Và đây là một thí dụ tuyệt vời về giao tiếp và mối liên
hệ về tình thương trong sự im lặng.
Cho phép tôi phá vỡ
sự yên lặng bằng cách nói với bạn đọc về sự im lặng của Thiên Chúa trên đồi
Calvary và sự im lặng của Mẹ Maria tại chân cây thánh giá của người Con yêu dấu
– Đức Giêsu Kitô. Tại sao Thiên Chúa lại có thể trở nên xa cách và im lặng vào ngày
hôm đó? Tại sao Mẹ Maria đứng rất gần với Đức Giêsu nhưng lại rất im lặng tại
chân cây thánh giá?
Với chúng ta người
Kitô hữu, thí dụ nổi bật về sự im lặng của Thiên Chúa là khi Đức Giêsu trên cây
thánh giá kêu to, “Lạy Chúa con, lạy Chúa con, tại sao Ngài bỏ rơi con?”
(Matthew 27:46). Đức Giêsu đã cảm nghiệm bị ruồng bỏ bởi Thiên Chúa, Cha của ngài
và Mẹ Maria người Mẹ thân yêu của ngài. Tại sao? Tại sao những lời khích lệ đã
không được cất lên? Tại sao lại có sự im lặng không đúng lúc và không đúng chỗ?
“Lạy Chúa con, lạy Chúa con, tại sao Ngài bỏ rơi con?” “Mẹ con, tại sao mẹ lại
bỏ rơi con?” “Những người môn đệ yêu quý, tại sao các con đã bỏ rơi Thầy? Tại
sao các con đã bỏ chạy?”
Thiên Chúa đã không
can thiệp. Thiên Chúa đã không cất đi chén đắng và cái chết của người Con. Cho
nên, sự im lặng của Thiên Chúa đã dẫn Đức Giêsu tới cái chết ô nhục trên cây thánh
giá – một loại hình phạt chỉ dành riêng cho những tội phạm. Nhưng Đức Giêsu không
phải là một tội phạm! Ngài vô tội như con chiên bị mang tới người đồ tể không có
lòng thương xót.
Sự im lặng giữa Thiên
Chúa, Chúa Cha và Đức Giêsu, người Con yêu dấu đã không tỏ lộ tới đám đông trên
đồi Calvary một điều mang thật nhiều ý nghĩa – một trao đổi tình yêu rồi sẽ sinh
hoa kết trái vào ngày thứ ba khi Đức Giêsu phục sinh với một đời sống mới, một
đời sống vĩnh cửu. Sự im lặng của Thiên Chúa đã tiêu diệt sự chết và mang lại một
đời sống mới tới thế giới qua người Con của Ngài, Đức Giêsu – Đức Kitô Phục
sinh!
Sự im lặng giữa Chúa
Cha và Chúa Con tràn đầy hứa hẹn và hy vọng, không phải một điều tuyệt vọng. Im
lặng trên đồi Calvary có ý nghĩa trong một khung cảnh của hy vọng là Đức Giêsu
sẽ sống lại. Sự im lặng của Mẹ Maria tại chân cây thánh giá là một điều đáng chú
ý. Mẹ đã không nói một lời. Vượt lên trên tất cả nỗi đau khổ của con người mà Mẹ
đã trải qua là sự im lặng của riêng Mẹ. Im lặng là phản ứng của Mẹ trước sự im
lặng của thiên đàng. Im lặng đã khiến Mẹ Maria trở nên một người phụ nữ mạnh mẽ.
Sức mạnh của Mẹ chính là sự im lặng tuyệt đối, từ nơi đây hy vọng đã nảy mầm.
Chúng ta dừng lại và
tự hỏi chính chúng ta, “Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2020 đang nói điều gì với
chúng ta – trong bối cảnh của một thảm họa đại dịch do Covid-19 đã vô tình hoặc
cố tình gây ra?”
Sự im lặng của Thiên
Chúa trước cơn đại dịch hàm chứa hai lý do khác nhau. Một là con người đã không
đáp trả lại lời kêu gọi Thiên Chúa để tin rằng Ngài vĩ đại hơn khoa học và công
nghệ. Con người nghĩ rằng họ hoàn toàn có khả năng tự lực tự cường. Con người đã
biến Thiên Chúa trở thành tương tự như một món hàng. Chỉ khi nào họ cần, họ mới
chạy tới Chúa. Họ đã hạ bệ Thiên Chúa và thần phục khoa học và công nghệ. Nhân
loại đã chọn trở thành “người công nghệ” thay vì “người tôn giáo.” Vậy mà con
người lại còn thắc mắc tại sao Thiên Chúa đã trở nên quá im lặng. Có đúng là
Thiên Chúa không thấy và cũng không cảm nhận được nỗi khổ của con người (Exodus
3:1-10)?
Lý do thứ hai giải
thích sự im lặng của Thiên Chúa đó là im lặng cũng là một phương cách nghỉ ngơi.
Khi Thiên Chúa dường như đang im lặng, con người có khuynh hướng điền vào khoảng
trống bằng những lời. Nhưng những người, hiểu vấn đề hơn, sẽ im lặng và chờ đợi
trong hy vọng. Covid-19 chính là ngôn ngữ im lặng của Thiên Chúa. Cơn đại dịch
là cách Thiên Chúa nói với chúng ta trong im lặng. Im lặng thật sự là ngôn ngữ
của Thiên Chúa. Chúng ta cũng phải giữ sự im lặng để lắng nghe tiếng Chúa và đối
thoại với Ngài trong hy vọng.
Trong một thế giới ồn
ào, ô nhiễm và nhiễm đầy phóng xạ như thế giới của chúng ta, thế giới của thiên
niên kỷ thứ 21, chúng ta khát sự im lặng. Chúng ta khao khát im lặng nội tâm để
được trụ lại trong một Thiên Chúa diệu kỳ. Im lặng nội tâm có khả năng khiến chúng
ta trò chuyện với Chúa và suy niệm về cảm giác bị bỏ rơi của Đức Giêsu, người
dường như đã tuyệt vọng nhưng lại vẫn hoàn toàn tin tưởng và hy vọng vào Thiên
Chúa Cha. Và Mẹ Maria là một mẫu hình im lặng cho chúng ta. Sự im lặng đã khiến
Mẹ hiểu nỗi đau của ngọn giáo đau khổ đã được tiên đoán sẽ là kinh nghiệm của
riêng Mẹ.
Nói tóm lại, im lặng
là một khoảng không gian linh thiêng để lắng nghe. Im lặng khiến chúng ta trở
thành những người biết lắng nghe Lời Chúa. Im lặng chính là ngôn ngữ của Thiên
Chúa. Tôi nguyện cầu, “Thiên Chúa của im lặng, con khẩn cầu xin Chúa dạy cho con
biết lắng nghe ngôn ngữ của Ngài!” Amen!
Thứ Sáu Tuần Thánh, 10/4/2020
Học Viện Truyền Giáo Ngôi Lời – Tagaytay City, The
Philippines
(Người dịch: LM
Michael Nguyễn SVD, Nguyên tác, The Power of God’s Divine, https://nguyentrungtay.blogspot.com/2020/04/the-power-of-gods-silence-edgar-javier.html).
Comments
Post a Comment