Phục Sinh Mùa Covid-19
Ngoài thất vọng, tuần
Thánh và tuần Phục Sinh đầu tiên của dòng lịch sử ơn cứu rỗi cũng là hai tuần lễ
đong đầy những phiền muộn, bối rối, và lo lắng không lối thoát cho những người
môn đệ của Đức Giêsu.
Bắt đầu từ những
giây phút bỏ chạy trong Vườn Cây Dầu cho tới giây phút chứng kiến cảnh tảng đá
đang lăn tròn che kín ngôi mộ, những người Kitô hữu đầu tiên đã trải qua hết thất
vọng này sang thất vọng khác. Thoạt tiên là chuyện Giuđa bán đứng đại sư phụ với
một cái hôn, nối tiếp là bản án tử của Đức Giêsu được đóng dấu bởi nhà nước bảo
hộ La Mã, theo sau là nhọc nhằn con đường thập giá với đá và sỏi dẫn lên Núi Sọ,
tiếp nối là kinh hoàng tiếng đinh xé rách thân xác và sắc nhọn tiếng búa lạc thần
đôi mắt của Đức Giêsu. Trong thất vọng, cuối cùng mọi người dẫn nhau ra về sau
khi tảng đá đóng lại che kín xác Đức Giêsu.
Nhưng rất tiếc,
đúng như cụ Tiên Điền đã từng nói, “đùng đùng gió giục mây vần,” câu chuyện thất
vọng không chịu dừng lại ở chỗ tảng đá được lăn tới chôn lấp một xác chết,
nhưng được tiếp nối với một bản tin động trời do những người đàn bà hốt hoảng
chạy về thông báo vào sáng sớm thứ Hai của ngày đầu tiên trong tuần lễ. Theo
như những người nữ môn đệ, xác Đức Giêsu đã không còn nằm trong ngôi mộ đá nữa.
Mà nếu xác Đức Giêsu đã biến mất, không còn trong ngôi mộ, không ai trên cõi đời
vào đầu thiên niên kỷ lại dùng niềm tin Phục Sinh để giải thích cho hiện tượng
ngôi mộ trống; nhưng, người người từ những em bé cho tới những cụ già, từ những
nhà lãnh đạo tôn giáo cho tới chính quyền bảo hộ La Mã đều tin rằng có người đã
lẻn vào ngôi mộ đánh cắp mang xác Đức Giêsu đi dấu cho một âm mưu đen tối
(Gioan 20:2). Bởi thế, khi bản tin xác Đức Giêsu đã biến mất, nhà nước bảo hộ
La Mã không chịu nhắm mắt bỏ qua, nhưng sẽ bắt đầu một cuộc tảo thanh, lùng kiếm
xác của Ngài trên từng góc phố và trong từng căn nhà của kinh thành Giêrusalem.
Khi cuộc săn lùng thi thể của Đức Giêsu bắt đầu, những người nam môn đệ sẽ là
những nhân vật đầu tiên nằm trong danh sách bị truy nã, bị săn lùng, và bị tra
khảo. Cho nên, không ai lạ chi nếu những cánh cửa của căn nhà nơi những người
môn đệ đang ẩn sâu trốn kỹ bắt đầu từ đêm khuya của ngày thứ Năm tuần trước lại
càng thêm cửa đóng then cài vào ngày thứ Hai đầu tuần của người Do Thái. Bởi thế,
khi nhận được bản tin là xác Đức Giêsu đã biến mất, những người môn đệ của Đức
Giêsu đã không đứng dậy hân hoan nhảy múa hét to, “Tạ ơn Chúa! Allelujah! Ngài
đã sống lại!”, nhưng mà là ngược lại. Cho nên, vào ngày Phục Sinh đầu tiên,
ngoài thất vọng, những người môn đệ lại có dịp nếm thêm mùi vị đắng cay của muộn
phiền, bối rối, và hồi hộp chờ đợi giây phút cánh cửa căn nhà bật tung bởi xích
xiềng, giáo mác và áo trận La Mã.
Cánh cửa rồi cũng mở
ra, nhưng không phải bởi chính quyền La Mã, mà là hai người môn đệ nguyên gốc
Emmau. Trong khi những người nam môn đệ của Đức Giêsu đang run sợ, tiếp tục giấu
mình sâu hơn nữa vào trong bóng tối của căn phòng kín, hai người môn đệ vừa từ
thị trấn Emmau quay về cung cấp một bản tin khác về thi hài của Đức Giêsu, lần
này bản tin thật sự đã biến thành trái bom nổ tung và giựt đứt những sợi giây
thần kinh căng cứng của những người môn đệ. Theo như hai người môn đệ của thị
trấn Emmau, ngôi mộ đá đã trở thành ngôi mộ trống không phải bởi vì người ta cướp
mất xác của Đức Giêsu cho những toan tính mờ ám, nhưng bởi vì Ngài đã phục
sinh. Và chính Ngài đã hiện ra chuyện trò với họ trên suốt một quãng đường dài
mười một cây số.
Trong căn phòng kín
của gần hai ngàn năm về trước, bản tin về Đức Giêsu Phục Sinh đồng hành trên
con đường Emmau không mang lại tiếng cười hân hoan tiếng hát tạ ơn Thiên Chúa,
nhưng bản tin đã khiến cho những người môn đệ của Đức Giêsu lại thêm nặng trĩu
đôi vai, hằn sâu vầng trán, thâm đen đôi mắt, bởi vì lo lắng và sợ hãi trước những
tin đồn thiệt hư không biết đâu mà kiểm chứng. Vào giây phút hội ngộ giữa Emmau
và Giêrusalem, ngoại trừ ông Cleopas và người môn đệ đồng hành, tâm hồn của người
người trong căn phòng đóng kín cửa đều tiếp tục ngân vang khúc nhạc cung thứ nốt
giáng (b) của những dòng nhạc chán nản, nghi ngờ, và hoang mang.
Không trách chi,
khi Đức Giêsu với thể xác thần khí hiện ra, đứng giữa căn phòng đóng kín cửa,
các người môn đệ của Đức Giêsu tin rằng họ đã thấy ma. Không biết có người nào
té ra bất tỉnh hay không, nhưng nếu Đức Giêsu không chúc “Bình An cho các con”
và trấn an họ bằng cách ngồi ăn cá nướng với những người môn đệ thân thương, có
lẽ nhiều người đã bị máu cơ tim nhồi lên mà chết bởi biến cố Phục Sinh mà họ
đang chứng kiến tận mắt trong căn phòng kín.
Suy Niệm
Bạn,
Trong ngày hôm nay,
hơn bao giờ hết, lời chúc bình an của Đức Kitô Phục Sinh là một điều mà bạn và
tôi đang cần đến.
Bắt đầu từ những tháng
cuối cùng của năm 2019, sự xuất hiện của một chủng corona mới bất ngờ trở thành
mối đe dọa tới đời sống nhân loại. Chủng mới corona hạ gục từng con phố, từng
ngôi làng, từng tỉnh thành và quốc gia. Chủng mới đi tới đâu, phố phường đông đúc
tấp nập bỗng nhiên trở nên vắng lặng như bãi tha ma. Không bóng người, không tiếng
cười, không dấu vết của sự sống. Công trường tấp nập thánh Phêrô của thủ đô Công
giáo, thành phố New York không bao giờ ngủ, thủ Manila ồn ào tiếng xe jeepney
ngày và đêm giờ này tự nhiên hóa ra phố ma. Tất cả đã xảy ra cũng chỉ bởi siêu
vi khuẩn Vũ Hán.
Chủng corona mới đã
thay đổi đời sống thường nhật của chủng người. Giờ này không còn ai tin ai. Gặp
nhau, chủng người không bắt tay, đứng gần. Giờ này bởi chủng corona, người sợ
người, phố phường rào chắn cách ly, quốc gia đóng cửa đường biên giới. Một người
trong xóm nhiễm Covid-19, cửa nhà trong xóm đóng chặt. Trong những căn nhà đóng
kín cửa bởi chủng mới corona là nỗi lo sợ, không biết khi nào siêu vi khuẩn của
người hàng xóm sẽ tự động mở cửa bước vào lấy đi sinh mạng của ông bà bố mẹ hoặc
của chính mình!
Trên hết tất cả, tính
tới ngày hôm nay, thuốc chủng ngừa và phương thuốc trị liệu siêu vi khuẩn
SARS-CoV-2 vẫn là một dấu chấm hỏi. Bởi thế, nỗi lo sợ chủng corona giờ này không
chỉ gói gọn trong một vài con đường hoặc một con phố nhưng là nỗi sợ toàn cầu. Ngày
nào chủng corona Covid-19 còn tung hoành, ngày đó chủng người còn sống lo sợ phập
phồng trong những ngôi nhà đóng kín cửa.
Tương tự như những
người môn đệ của thuở xưa, người tín hữu sẽ còn tiếp tục thất vọng, lo lắng,
phiền muộn, và bối rối bởi đại dịch Covid-19.
Vào những lúc cảm
thấy phiền muộn, bối rối, thất vọng bởi siêu vi khuẩn Covid-19, mời bạn, chúng
ta cùng hướng về căn phòng đóng kín cửa với Đức Giêsu Phục Sinh đang hiện diện ở
giữa căn phòng, và nói với Ngài,
Lời Nguyện
Lạy Chúa, trong Mùa
Phục Sinh năm nay, xin chúc lành trên con lời chúc bình an năm xưa để con thôi không
còn lo lắng, phiền muộn, và bối rối như những người môn đệ trong căn phòng đóng
kín cửa của thời xưa.
Nguyễn Trung Tây
Comments
Post a Comment