Chuyện TU SĨ Chuyện EM: Văn Hóa Trang Mạng


Em tham gia phái đoàn giáo xứ đi hành hương đất thánh. Em ngày ba bữa đưa lên trang FaceBook (FB) hình em ăn sáng, ăn trưa, và ăn tối. Khoảng 8 giờ sáng tại phố cổ Jerusalem, em xuất hiện qua những tấm hình selfie ngồi ăn sáng, trên bàn bày đầy thức ăn. Trưa, dừng lại tại phố Jericho, nơi có cây sycamore của ông thu thuế Zacchaeus; em đưa lên FB hình em đang ngồi ăn trưa tại phố. Tối hôm đó, quay về lại phố cổ Jerusalem; em đưa lên FB hình ăn tối với ca viên ca đoàn giáo xứ.

 Ngày hôm sau, cũng vẫn thế… Sáng, trưa, tối! Tôi cuối cùng quyết định viết một vài hàng nho nhỏ tới hộp thư FB của em, “Con đi hành hương hay đi đâu vậy?” Em hiểu ý. Ngày hôm sau, em chỉ đưa lên FB một tấm hình duy nhất, hình em đang quỳ trong nhà thờ Vườn Cây Dầu. Dưới tấm hình, em ghi chú một hàng chữ ngắn, “Cầu nguyện cho đại dịch chóng qua.” Ngày hôm sau, tôi thấy em quỳ trong nhà thờ Nativity ở Bethlehem với hàng chữ, “Cầu xin với Chúa Hài Đồng ban bình an tới toàn thế giới.” Và ngày sau, ngày sau nữa, em lại chỉ đưa lên hoặc share lại những status về Lời Chúa và những bài Suy Niệm.

Kính thưa độc giả Quán Nước,

Trang mạng FB và nhiều trang mạng xã hội tương tự đang trở thành phương tiện thần kỳ nối kết nhiều người trên thế giới. Chỉ cần ghé vào trang FB hoặc Twitter hoặc một trang tương tự, người thân và bạn bè sinh sống trên khắp năm châu có thể nhìn thấy hình ảnh của bạn bè, để lại một lời “còm” vui về một chia sẻ của người thân, hoặc để lại một hàng tin nhắn trong hộp thư cá nhân.

Là mạng xã hội, tất cả những trang mạng xã hội do đó đều là nơi công cộng. Bởi nét công cộng, tất cả những trang mạng xã hội đều có và chịu ảnh hưởng bởi một nền văn hóa công cộng – có thể gọi “Văn Hóa Trang Mạng.” Nơi đó, những định ước xã hội được mọi người đồng ý và tuân thủ. Nếu không tôn trọng văn hóa trang mạng, người sử dụng diễn đàn sẽ gây ra không ít phiền hà cho những người xuất hiện trên cùng một diễn đàn.

Chủ quán xin đề nghị bốn nét đặc trưng của Văn Hóa Trang Mạng: Tôn trọng người chết, Lời ăn tiếng nói, Mâm cơm riêng tư, và Tin không chính xác/Fake News.

Tôn Trọng Người Chết

Người tiền sử Neanderthals để lại trong hang động nhiều vết tích ghi lại những nghi thức chôn cất người quá cố. Có lẽ đây là một trong những dấu vết cổ nhất liên quan đến nền văn hóa tôn trọng người chết mà khoa học đã từng khám phá ra. Người quá cố trong nền văn hóa nào thật ra cũng được kính trọng. Có lẽ bởi người nằm xuống không còn khả năng kiểm soát và chăm sóc thân thể của chính mình nữa. Họ rớt vào tình trạng hoàn toàn thụ động. Bởi vậy, người quá cố chỉ còn biết dựa vào lòng thương xót của người còn sống, những người sẽ chăm sóc và thực hành những nghi thức “nghĩa tử nghĩa tận” tiễn đưa thân xác của họ về lại lòng đất. Chưa hết, nhìn dưới lăng kiếng Kitô, thân xác con người cũng là đền thờ của Thiên Chúa (1Cor 3:16, 6:19). Bởi thế thân xác mọi người, bất phân tôn giáo, tuổi tác, và giới tính, dù còn sống hay đã chết, đều phải được kính trọng.

Cũng là một lẽ thường tình, ai cũng muốn mình xuất hiện nơi công cộng với một vẻ tươi đẹp, lịch thiệp. Đó là lý do tại nhiều quốc gia, nhà quàn có một nhóm chuyên chăm lo khuôn mặt của người quá cố; để khi thân nhân và bạn bè ghé vào phúng điếu, người quá cố nằm trong áo quan vẫn xuất hiện tươi tắn như đang nằm ngủ say.

Rất tiếc, nền văn hóa kính trọng người quá cố không được một số người sử dụng trang mạng xã hội tôn trọng. Chủ quán đã từng thấy trên trang FB những tài khoản cá nhân đưa lên hình ảnh xác người cháy đen sau khi xe gặp tai nạn nổ tung, hoặc hai Sơ trong tu phục nằm chết gục mặt trên đường, hoặc những thai nhi cuống rốn vẫn còn, hoặc những thiếu niên chết đuối nằm trên giường, hoặc ngay cả những người quá cố nằm trong áo quan. Không thể phủ nhận ý tốt của người đưa lên FB những hình ảnh của người đã chết; điều này có thể nhìn thấy qua những lời đính kèm, thí dụ, “Xin cầu nguyện cho linh hồn…” Nhưng nhìn dưới lăng kiếng văn hóa trang mạng, không ai có quyền đưa lên trang mạng xã hội những hình ảnh của người đã chết. Bởi văn hóa tôn trọng xác người chết, chỉ có di ảnh của người quá cố mới nên xuất hiện nơi công cộng, thí dụ trên mặt báo hoặc trên nắp áo quan.

Chủ quán đề nghị xin không đưa lên trang mạng xã hội bất cứ hình ảnh nào liên quan đến thi thể người quá cố.


Lời Ăn Tiếng Nói

Nơi công cộng, ai cũng giữ gìn lời ăn tiếng nói. Dù có giận đến đâu, cá nhân đó cũng không to tiếng nói lại hoặc sử dụng ngôn ngữ đi ngược lại thuần phong mỹ tục. Đây là một công ước một luật lệ được mọi người tôn trọng và thực hành. Người nào không tuân thủ công ước luật lệ này, nhẹ có thể bị những người chung quanh đánh giá thấp về tư cách và nhân phẩm; nặng hơn, họ có thể bị cảnh sát can thiệp bằng cách nhắc nhở, hoặc tệ hơn, mời tới cơ quan có trách nhiệm biên giấy phạt hoặc bị truy tố.

Trang mạng FB hoặc nhưng trang mạng xã hội khác cũng thế, là một nơi công cộng. Người lạ mặt hoặc người quen của một tài khoản FB, đi ngang qua ghé vào xem bức hình được đưa lên, hoặc đọc những lời “còm.” Bởi là nơi công cộng, những công ước về nơi công cộng cũng nên được tôn trọng. Nếu không thích một tấm hình, hoặc những lời “còm” của một tài khoản FB nào đó, người sử dụng trang mạng cũng không nên đưa ra những lời “còm” với ngôn từ thiếu thuần phong mỹ tục.

Nếu không tôn trọng lời ăn tiếng nói trên trang mạng xã hội, ít nhất có hai hệ lụy sẽ xảy đến. Thứ nhất, người sử dụng trang mạng bị thiên hạ đánh giá thấp về tư cách và nhân phẩm. Thứ hai, cá nhân đó làm cho trang mạng xã hội trở nên một nơi mất đi bầu không khí lành mạnh. Những lời “còm” thiếu thuần phong mỹ tục của tôi trở nên khói xăng khiến bầu trời của trang FB bị ô nhiễm, không có sinh vật nào có khả năng sống sót trong những môi trường vẩn đục “khói xăng” như vậy.

Chủ quán đề nghị xin chỉ “còm” những lời “còm” đẹp trên những trang mạng xã hội!


Mâm Cơm Riêng Tư

Giờ cơm gia đình nói chung và gia đình Việt Nam nói riêng là giờ thuộc về gia đình. Nói ngắn gọn, mâm cơm của một gia đình Việt Nam là một mâm cơm riêng tư. Những món ăn xuất hiện trên mâm cơm của gia đình chỉ có những thành viên gia đình và khách được mời mới biết.

Có một vài lý do để giải thích hiện tượng mâm cơm riêng tư này. Một trong những lý do đó liên quan tới khía cạnh danh dự/thể diện của xã hội Việt Nam. Một gia đình nghèo hoặc một người sinh viên nghèo vẫn cố gắng giữ danh dự/thể diện của gia đình hoặc của cá nhân. Bởi thế, mặc dù hằng ngày gia đình đó chỉ dọn được ba mâm cơm đơn sơ, bởi danh dự và thể diện, họ không muốn chia sẻ điều này với hàng xóm. Câu chuyện ông thầy đồ nghèo lên kinh đô ứng thi, tại nhà trọ, ngày nào cũng chỉ dọn ra trên mâm cơm một con cá gỗ phản ảnh lại nét danh dự và thể diện của người Việt. Ngược lại, nếu gặp một gia đình khá giả, có khả năng dọn ra trên mâm cơm những món ăn thịnh soạn, nhưng bởi nét “mâm cơm riêng tư,” họ cũng không chia sẻ điều này với hàng xóm; bởi họ không muốn mang tiếng khoe khoang hoặc tệ hơn vô cảm, nhất là nếu gặp trường hợp trong vùng đang gặp thiên tai, nhiều người thiếu thốn không có thức ăn lót lòng.

Ngoài danh dự, an ninh cũng là một điểm góp phần tạo nên mâm cơm riêng tư. Gia đình với mâm cơm thịnh soạn cũng rất cẩn thận với nét mâm cơm riêng tư, bởi họ e ngại thành phần bất lương sẽ nhòm ngó có khả năng vượt hàng rào nửa đêm về sáng.

Gia đình Việt Nam nói chung và nội tướng gia đình nói riêng hiểu và biết nguyên tắc mâm cơm riêng tư, một định luật trong xã hội. Mâm cơm riêng tư được bố mẹ dậy dỗ và nhắc nhở con cái trong giây phút gia đình quây quần xum họp chia sẻ với nhau mâm cơm gia đình.

Nhưng bắt đầu từ lúc trang mạng xã hội thịnh hành, nguyên tắc mâm cơm riêng tư không còn được tôn trọng. Nhiều tài khoản FB một ngày một ba lần đưa lên trang FB cá nhân hình ảnh cơm sáng, cơm trưa, và cơm tối, với lời ghi chú đính kèm, “Mời cả nhà ăn cơm!”

Chủ quán đề nghị, bởi trang mạng xã hội là một nơi công cộng, mặc dù đó là một nơi công cộng ảo, mâm cơm riêng tư vẫn nên được tôn trọng.


Tin Không Chính Xác/Fake News

FB có nút để chia sẻ lại một bài trên trang mạng! Nếu thích, một tài khoản FB cá nhân chỉ việc nhấn con chuột vào nút share, bài hoặc hình ảnh đó sẽ xuất hiện ngay lập tức trên trang tài khoản FB của riêng mình. Bởi thế, một bản tin hoặc một tấm hình có thể liên tục xuất hiện trên cùng một trang mạng, bởi bản tin hoặc tấm hình này được nhiều tài khoản ưa thích.

Tài khoản trên trang mạng xã hội đã biến tài khoản cá nhân trở thành một trang thông tin. Một tài khoản đưa một bản tin lên trang FB, nhiều tài khoản khác đọc được, và khi thích họ chia sẻ lại bản tin đó. Càng nhiều tài khoản share bản tin đó, bản tin càng trở nên phổ biến. Bản tin đó chính xác, nhiều người hưởng lợi. Ngược lại, một bản tin không chính xác tạo nên nhiều hoang mang tới nhiều người.

Chủ quán nhớ có nhìn thấy trên trang mạng xã hội đăng lại một tấm hình Đức Giáo Hoàng Francis bị ngã. Biến cố đó thật sự đã xẩy ra trong một thánh lễ ngoài trời vào ngày 28 tháng 7 năm 2016 tại Ba Lan. Nhưng ngày hôm nay, trên trang mạng vẫn thấy tấm hình đó được đăng lại với lời đính kèm, “Xin hãy cầu nguyện cho Đức Thánh Cha, ngài mới bị té ngã.” Ngay lập tức, bản tin đó được bao nhiêu người có lòng yêu mến Đức Thánh Cha share lại, chỉ bởi một ước muốn tốt lành. Cả người đăng và người share lại bản tin đó không hề kiểm chứng lại bản tin “mới” té ngã của Đức Thánh Cha, một bản tin hoàn toàn sai, hoặc ở trong một ý nghĩa nào đó, bản tin đó trở thành một bản tin nhảm/fake news.

Chủ quán đề nghị một nguyên tắc (một nguyên tắc vàng), xin xem lại nguồn của bản tin – bất cứ bản tin nào – mà bạn muốn chia sẻ lại. Và xin chỉ trích hoặc chia sẻ lại bản tin có nguồn từ những trang thông tấn xã chuyên nghiệp, thí dụ, NBC, CNN, Fox News, Vatican News, VietCatholic, là những nguồn chính thống. Những bản tin trích từ những nguồn này độ chính xác khá cao.


“Thích Thì Post Thôi!”

Trong cộng đồng sử dụng tiếng Anh, có một câu nói khá phổ thông trong thế giới trang mạng, “I post, therefore, I am.” Trong cộng đồng nói tiếng Việt, câu, “Mình thích thì mình post thôi,” cũng rất phổ thông!

Một chọn lựa chỉ có ảnh hưởng tới đời sống riêng tư của cá nhân, nếu mình “thích thì [mình] post thôi.” Điều này được chấp nhận. Nhưng, nếu cái chọn lựa của mình có khả năng gây ra những ảnh hưởng tới người khác, thì câu nói “thích thì post thôi” không có chỗ đứng trong thế giới trang mạng xã hội; rất đơn giản, bởi nơi đó, văn hóa trang mạng phải được tôn trọng. Thật thế!

Những cái post của cá nhân tôi đưa lên trang mạng xã hội hình “xác người quá cố,” “lời ăn tiếng nói” mất thuần phong mỹ tục, những “mâm cơm riêng tư” đúng ra chỉ nên xuất hiện trong phòng cơm nhà mình, tin không chính xác/fake news; những cái post này không thể gọi là tôi “thích thì [tôi] post thôi.” Những cá nhân không tôn trọng văn hóa trang mạng dễ dàng tạo ra những phản cảm cho những người khác cùng sử dụng trang mạng.


Sứ Vụ Truyền Giáo,

Em mến,

Cha cám ơn em, em con gái, cá tính cao, nhưng đã học được đức tính khiêm nhường. Cha chỉ nói ngắn gọn có mấy lời, em hiểu ngay.

Trên tất cả, em thực hành lời của Giáo hội đề nghị người tín hữu thiên niên kỷ thứ ba nên sử dụng truyền thông trang mạng như là một phương tiện, nơi đó, sứ vụ truyền giáo được Đức Giêsu Phục Sinh trao ban tới tất cả mọi người tín hữu được thực hành ngày trong ngày hôm nay và ngay bây giờ. Bởi thế, em sử dụng tài khoản FB của em như là một mảnh đất truyền giáo, nơi đó em bước ra nương đồng reo hạt giống Lời Chúa tới tâm hồn của tất cả những người bạn trang mạng của em. Cám ơn em! Cám ơn nhà truyền giáo của thiên niên kỷ thứ ba. Mời em bước tiếp những bước chân truyền giáo.

Nguyện cầu Thiên Chúa chúc lành em trong sứ vụ truyền giáo trên những nẻo đường và cánh đồng trang mạng xã hội.

Nguyễn Trung Tây

Comments

  1. Replies
    1. Dạ, thưa không dám! Chỉ là một ý kiến cá nhân về mạng xã hội. Tác giả không dám dậy dỗ ai hết.

      Delete

Post a Comment

Popular Posts