Tôi Tới Từ Thiên Đàng
Vẫn là một hiện tượng, tôi nhớ, trong khi đang lang thang
đâu đó trên những vùng đất lạ, cứ giống như tôi đang mặc áo thung in đậm hàng
chữ, “Hãy hỏi tôi: Bạn từ đâu tới?” (khi thấy mặt tôi) thiên hạ chạy tới, đặt
câu hỏi (hay hỏi người bạn đang đi bên cạnh nếu tôi không nói ngôn ngữ bản xứ),
“Ông bạn từ đâu tới vậy?”
Tôi ngạc nhiên,
“Thật hả? Anh hỏi tôi… Từ đâu tới?”
Bạn cộ mắt nhìn,
“Ủa! Bộ có gì sai hay sao?”
Và rồi bạn gật đầu, “Đúng! Anh từ đâu tới vậy?”
Một câu hỏi đơn giản như thế thông thường được trả lời với
một mệnh đề bắt đầu với chủ từ “Tôi”, theo sau là động từ “là” (trong trường hợp
này, động từ “là” ở thì hiện tại, ngôi thứ nhất, số ít, đọc là “từ”), cuối câu
là túc từ (tên của một quốc gia nào đó). Dựa vào những nét Đông phương trên
khuôn mặt (của người bị hỏi), thiên hạ thông thường vẫn chờ đợi tôi sẽ điền vào
chỗ trống của túc từ với danh từ “Thái Lan” hoặc “Cambuchia” hoặc “Trung Hoa”.
Nhưng nếu tôi thành thật và ngây thơ trả lời,
“Mỹ…”
Thiên hạ rất nhiều lần, phản ứng ngay lập tức với giọng
điệu (khá là) mỉa mai,
“Ông thần? Cho tôi xin... Ông đâu phải là Mỹ!...”
Có lần, vị giáo sự đồng nghiệp ở Melbourne phê bình thẳng
như ruột ngựa,
“Bạn đúng là một người (tâm thần) lẫn lộn...”
“Thật thế à! Ủa! Bộ tôi là người (thần kinh) có vấn đề?”
Nếu đời sống là một chuỗi dài học hỏi, qua những sự cố đã
từng xảy đến trong đời, tôi học được bài học quý giá; bởi thế tôi (về nhà) chế
sẵn một cụm từ mới (thật sự ra đây cũng chỉ là một cách để tự vệ bản thân). Bất
cứ khi nào bị thiên hạ hỏi, “Ông thần từ đâu tới thế?”, tôi cẩn thận trả lời
ngay với một công thức gọn gàng,
“Nguyên gốc Việt Nam hai mươi năm; và rồi hai mươi mốt
năm sống (lang thang) tại Mỹ.”
Câu chuyện “Bạn từ đâu tới?” không chấm dứt ở đây… Bởi đã
có những lần quay về Việt Nam công tác, tôi đã từng được/bị (người Việt) nhìn
hoặc đối xử hoặc coi như một người ngoại quốc ngay trên vùng đất chôn nhau cắt
rốn. Có lần trong khi đang đọc thực đơn trong tiệm Phở, người chạy bàn bước tới,
nói với tôi trong tiếng Anh,
“Chào ông! Ông đã sẵn sàng để gọi món ăn chưa?”
“Sẵn sàng chưa? Đương nhiên, lúc nào tôi cũng sẵn sàng.
Phở, thức ăn Việt Nam tôi thích nhất”. Tôi nhớ, mình đã trả lời trong tiếng Việt.
Và… (Tôi yêu biết bao chữ “và” trong trường hợp này) bạn
có thể nhận ra quai hàm người chạy bàn rớt xuống (một cái cụp), bởi anh ta nói
với tôi... "Ông, người Phi Luật Tân, mà sao nói tiếng Việt giỏi quá!"
Mama Mia!
Câu chuyện về nơi chôn nhau cắt rốn tiếp tục những vòng
xoay thường nhật, bởi tôi đã làm việc tại Úc Châu, từ những ngày của năm 2006.
Và bây giờ… Làm việc ở phố Melbourne được ba năm. Và bởi ngạt thở với đời sống
chật chội phố phường, nhưng lại ước mơ được hít thở bầu trời mới, giữa tháng 12
năm 2009, tôi dọn nhà về Central Australia, sa mạc bao la, xứ sở của người thổ
dân Arrernte. Tôi đã dần dần biến hình hóa ra thổ dân sa mạc: trời nóng, tôi bật
quạt và mặc quần đùi; trời lạnh, tôi mặc áo khoác dầy cộm rồi đội mũ len.
Welcome to Central Australia! Bàn về kỹ năng sinh tồn, tôi giờ hay ne né đi dưới
bóng râm để tránh những tia cực tuyến! Tôi đã biết giơ tay chào kiểu Úc Châu
(người Úc dùng tay xua xua ruồi nhằng hằng hà sa số bay rợp trời sa mạc). Tôi
đã dùng chữ băng (mob) thay cho chữ nhóm (group). Nắng chói chang sa mạc đã đổi
màu da từ trắng ngà ngà sang nâu nâu đen, và tóc từ màu đen lay láy sang màu trắng
kim tuyến!
Vâng! 20 năm hít thở không khí Việt Nam! 2 năm làm người
vô tổ quốc lang thang trại cấm Mã Lai và trại tỵ nạn Phi Luật Tân! 21 năm lang
thang ở Mỹ! 10 năm làm việc tại Úc Châu! Và bây giờ bạn hỏi tôi, “Anh từ đâu tới?”.
Và bạn mong đợi một câu trả lời đơn giản. Nghiêm chỉnh đi ông thần! Đừng có nói
chuyện bỡn!
Khỏi nói bạn cũng có thể đoán…
Tôi lạc… LẠC là tên đệm của tôi!
Nhà của tôi ở đâu? Bạn nói cho tôi biết.
Tôi thấy mình hay lẩm bẩm nói với chính mình, “Ông thần nước
mặn… chính hiệu con cháu Cain, sư tổ môn phái cái bang một đời lang thang,
không có một nơi gọi là nhà”. Chẳng trách chi đã có lần vị Linh Hướng khuyên bảo
(hay sửa đổi, ?, trách mắng tôi, ?, chi cũng được),
“Đừng có suy nghĩ như thế, bởi cuối cùng con cũng sẽ tin
là như vậy! Không có đúng! Nhà là bất cứ nơi nào con đặt những bước chân…”
“Wow! Nhà là bất cứ nơi nào con đặt những bước chân”. Thật
là đáng tiếc, tôi chưa Ngộ!... Và cơ hội để tôi ngộ mỏng manh như tơ trời (Tôi
biết, thành thật thú nhận, tôi khá là cà chua trứng thối! Nói thẳng và nói thật,
tôi tin tôi sẽ bao giờ đạt tới trình độ thiền sư gọi là Ngộ). Tiếng Anh hay
nói, “Make yourself at home,” cứ tự nhiên coi (mọi nơi) là nhà của mình! Nhưng,
ở rất nhiều nơi mình đã đi qua, đã sống, tôi không cảm thấy đó là nhà. Và đương
nhiên tôi chỉ có thể lừa dối được mọi người ngoại trừ chính mình về sự thật trần
trụi này.
Bạn từ đâu tới? Một câu hỏi đơn giản thông thường chờ đợi
một câu trả lời đơn giản. Nhưng không phải trong trường hợp của tôi… Rõ ràng là
như thế. Bạn có thể cự nự tôi,
“Ông thần! Khéo là vẽ chuyện! Đời sống chẳng bao giờ trở
nên tốt hơn! Hãy tận hưởng giây phút trời cao ban tặng”.
Bất cứ bạn nói gì… Tôi tiếp tục lang thang kiếm tìm một
nơi được gọi là nhà.
Đó là lý do tôi thấy mình cứ hay nhìn lên trời, đặc biệt
vào những đêm tối khi bầu trời mênh mông triệu triệu vị sao, để tìm kiếm Ông Trời
cho một câu trả lời.
Đó là lý do tôi thấy mình cứ hay lang thang trên đường phố
đêm đêm, tự hỏi hồn mình, “Mi từ đâu tới?”.
Đó là lý do thiên hạ cứ hay phán, “Ông thần! Sao nhìn lạc
đường (mùa Chay) quá!”.
Bạn nói đúng… Mà trách sao được. Tôi đã lạc ngay khi vừa
sinh từ trong bụng mẹ (có ai muốn được sinh ra trong cõi đời này, chẳng trách
chi hài nhi nào cũng thế, phải bật tiếng khóc chào đời); lạc đường như hai môn
đệ trên đường Emmau. Họ cũng một thời…lạc! Nhưng hai linh hồn lạc đường Emmau,
may mắn thay, đã gặp gỡ Niềm HY VỌNG mới của nhân loại. Và bởi Niềm HY VỌNG
này, họ đã thôi không còn lạc. Và Niềm HY VỌNG mới này đã quay về thiên đàng,
giờ ở trên thiên đàng, nhà của Ngài. “Ngài đã từng nói rõ ràng từng âm, “Tôi tới
từ Thiên Đàng…”
Thật thế à! Thiên Đàng! Nhà!
Linh hồn lạc loài của tôi lần đầu tiên rộn ràng những nốt
nhạc tươi vui của bài nhạc mới tinh khôi: “Thiên Đàng! Nhà!”.
Chữ Kitô hữu, nếu phân tích, là tổng hợp của hai danh từ,
“Kitô” và “hữu,” (một người tin vào Đấng Thiên Sai); Kitô hữu cũng chỉ về những
người đang lần theo những vết chân của Con Trời. Đừng có nói với tôi Đức Giêsu
chưa bao giờ một lần lạc trong cuộc đời nhé. Nơi Vườn Cây Dầu, Ngài đã từng muốn
chối từ uống ly rượu đắng (nhưng cuối cùng Ngài lại xin vâng theo ý Chúa Cha);
trên cây thập tự, Ngài đã từng hét lớn, “Ơi Lạy Chúa! Lạy Chúa con! Sao Ngài lại
bỏ rơi con?”.
Vâng! Đúng là phép lạ (Hãy cho tôi gọi đó là phép lạ!).
Giống y như người mù trong Kinh Thánh (Gioan 9), tôi bắt đầu nhìn cuộc đời với
cặp mắt mới… Tôi muốn hét to, “I see! Now I can see! Tôi đã thấy! Bây giờ tôi
đã nhìn thấy tỏ tường”.
Đức Giêsu và tôi (một Bang Chủ, một đệ tử), tại một vài
thời điểm trong đời, cả hai đều đã từng lạc. Đức Giêsu và tôi, cả hai đều từ
thiên đàng mà tới, thiên đàng nhà của Ngài và cũng là nhà của tôi, bởi tôi là một
Kitô hữu (đệ tử của Ngài).
Đấy, tôi nói có sai đâu, lại có người chạy tới hỏi tôi,
“Bạn từ đâu tới?”
Lần này tôi không còn cáu kỉnh như thường lệ, nhưng nhoẻn
miệng cười,
“Tôi? Anh hỏi tôi? Tôi từ đâu tới? Đúng không?”
Tôi chỉ ngón tay lên trời, bầu trời xanh xanh màu ngọc
bích, khẳng đinh, “Tôi tới từ thiên đàng. Tôi người Thiên Đàng. Tôi nói tiếng
Thiên Đàng”.
Thiên hạ (trăm người là cả trăm) ngạc nhiên, trợn tròn cặp
mắt, “Thật hả ông bạn?”.
Vâng, thiên đàng là nhà của tôi, nhà thân thương!
Tôi tiếp tục hát bài ca mới tinh khôi tôi mới soạn: THIÊN
ĐÀNG! NHÀ MẾN YÊU!
□ Nguyễn Trung Tây
Comments
Post a Comment