□ Khủng Hoảng Căn Tính - Đệ Nhị Luật 6:4-5
Trong khi theo học lớp Thần học Đệ Nhị
Luật tại đại học Catholic Theological Union, tôi nhớ có lần đột nhiên thiên đường
đổ vào tâm hồn tối tăm của tôi một câu hỏi,
— Tại sao Thiên Chúa lại đòi hỏi con
người phải yêu Ngài hết cả trái tim, hết cả linh hồn và hết cả tâm trí? Lý do
nào đã khiến Thiên Chúa đưa ra một lời yêu cầu lạ lùng đến như vậy tới người Do
Thái?
Có bao giờ bạn cũng có những dòng tư
tưởng tương tự khi đọc Đệ Nhị Luật 6:4-5 hay không?
— Hỡi Israel, hãy nghe đây! Thiên Chúa
là Thiên Chúa của chúng ta. Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất mà thôi. Bạn phải
yêu mến Thiên Chúa là Đức Chúa của bạn bằng cả trái tim, cả linh hồn, và cả trí
lực (Deut 6:4-5).
Hoặc trong khi đang có mặt ở Đất
Thánh, có bao giờ bạn gặp một người Do Thái đứng nơi công cộng hay trước bức tường
Than Thở đọc thiết tha lời kinh Đệ Nhị Luật này chưa? Có bao giờ bạn thắc mắc tự
hỏi tại sao những người đàn ông Do Thái này, bỗng dưng, lại đứng giữa nơi thanh
thiên bạch nhật để đọc lời kinh cầu nguyện Deut 6:4-5 hay không?
Để trả lời những câu hỏi này, trước
tiên chúng ta phải đặt Đệ Nhị Luật 6:4-5 vào trong toàn bộ bối cảnh của nó.
Theo Đệ Nhị Luật 6, đặc biệt câu 1, Môisen tuyên bố rằng Thiên Chúa đã buộc ông
phải dạy cho dân Do Thái điều luật này trước khi dân du mục đặt chân vào miền đất
hứa. Môisen thậm chí còn khẳng định rằng người Do Thái phải lưu trữ điều luật
này ngay trong trái tim, nơi chứa đựng sự khôn ngoan theo quan điểm cổ xưa.
Hơn thế nữa, dân Do Thái của muôn muôn
thế hệ phải dạy con cái họ điều luật này, và lập lại lời kinh này bất cứ ở đâu.
Không dừng lại ở đó, Môisen tiếp tục tuyên phán, “Hãy buộc [điều luật này] như
một dấu hiệu trên tay bạn, gắn chặt [điều luật này] như một biểu tượng trên
trán bạn, và viết [điều luật này] lên các cột và cổng nhà của bạn” (ĐNL 6:8-9).
Do đó, du khách ở vùng đất Thánh có thể
sẽ gặp một người đàn ông Do Thái đứng cầu nguyện nghiêm trang nơi công cộng,
hay trong Hội đường với một bộ “trang phục” phi-lắc-tơ-ri (phylactery), gồm hai
khối da hình vuông màu đen chứa một mảnh vải da, trên đó khắc hàng chữ ĐNL
6:4-5. Một phi-lắc-tơ-ri được gắn dây cuốn chung quanh cánh tay trái, phi-lắc-tơ-ri
còn lại đeo ngay trên trán.
Nếu bạn đã từng hỏi tại sao người đàn ông
Do Thái này lại đeo phi-lắc-tơ-ri trong khi đứng cầu nguyện, bây giờ bạn đã có
câu trả lời. Nói ngắn gọn, những người đàn ông Do Thái này đang thực hiện lời dạy
dỗ của Môses, như đã được viết trong ĐNL 6:4-5.
Suy
Niệm
Theo như thánh sử Mark, một ngày nọ, một
thầy thông luật đến gặp Đức Giêsu và hỏi Ngài,
— Điều luật nào là điều luật quan trọng
nhất (Mark 12:29)?
Đức Giêsu liền đọc,
— Hỡi Israel, hãy lắng nghe: Thiên Chúa
là Đức Chúa của chúng ta, chỉ có một Thiên Chúa. Bạn sẽ yêu Thiên Chúa bằng cả
trái tim, cả linh hồn, và cả tâm trí của bạn.
Nói một cách khác, đối với Đức Giêsu,
nếu một người toàn tâm toàn ý yêu Thiên Chúa với tất cả các năng lực, người đó
cũng sẽ thực hành các điều luật còn lại trong toàn bộ sách Torah.
Bạn đọc có thể đã tự hỏi, “Yêu Chúa bằng
cả trái tim, bằng cả tâm trí và bằng tất cả sức mạnh, điều đó có nghĩa là gì?”
Điều đó có nghĩa là người tín hữu phải
yêu Chúa không phải với một trái tim “lờ lờ nước hến,” mà là một tình yêu đam
mê.
Đam mê như Romeo và Juliet yêu nhau
say đắm.
Đam mê như Vua Edward VIII sẵn sàng từ
bỏ ngai vàng vì tình yêu với Wallis, một thường dân người Mỹ đã từng một lần
dang dở.
Đam mê như công chúa Mako, sẵn sàng từ
bỏ hoàng gia để đi theo tiếng gọi đam mê một người thanh niên không thuộc hoàng
gia.
Khi một người yêu đam mê, người đó trở
nên dịu dàng và kiên nhẫn hơn, đặc biệt là với người yêu. Khi đó, bạn gái hoặc
bạn trai trở thành trung tâm điểm của cuộc đời. Mọi nỗ lực đều được hướng về và
hướng tới người đó.
Khi yêu đam mê, người ta không thể lắng
nghe bất kỳ giọng nói nào khác, ngoài tiếng nói của trái tim và của người yêu.
Đó là lý do tại sao cả Romeo và Juliet
đã chấm dứt cuộc sống.
Vua Edward VIII bỏ tất cả để lại sau
lưng vì một người thường dân mà ông yêu cuồng nhiệt.
Và Mako bỏ lại cuộc sống hoàng gia bởi
người thường dân mà công chúa yêu nồng nàn.
Những người Do Thái từng có một quá khứ
nô lệ tại Ai Cập, một vùng đất của chủ nghĩa đa thần. Tương tự như thế, người
Canaan của vùng đất mà dân Do Thái sắp tiến vào là vùng đất của rất nhiều thần
thánh. Nhưng, người Do Thái chỉ tôn thờ một và chỉ một Thiên Chúa mà thôi.
Bởi thế, trước khi đặt chân vào
Canaan, Môisen đã triệu tập người Do Thái tới trước mặt ông. Sau đó, ông truyền
lệnh con dân Do Thái phải yêu Thiên Chúa với một tình yêu tuyệt đối. Bởi ngôn sứ
Môisen biết, sau khi gặp gỡ dân Canaan trên vùng đất đa thần, trái tim Do Thái
có thể sẽ biến đổi hình dạng, bởi chính những vị thần cư dân địa phương tôn thờ
từ bao lâu nay.
Mối đe dọa này rất thật và đã xảy ra.
Bởi không yêu Thiên Chúa hết tâm hồn hết linh hồn hết sức lực, người Do Thái cuối
cùng thay lòng đổi dạ. Họ không còn coi là Chúa của Abraham là Chúa của họ nữa.
Kết quả là họ đã nhiều lần mất đi bản sắc dân riêng của mình. Đã có những khoảng
thời gian người Do Thái bị ngoại bang chinh phục, lưu đày biệt xứ. Một lần vào
năm 722 BC. Lần khác vào năm 587 BC.
Môisen hoàn toàn đúng khi đoán trước
điều gì sẽ xảy ra nếu người Israel không nuôi dưỡng tình yêu nồng nhiệt dành
cho một Chúa duy nhất của họ. Thật vậy, lịch sử Do Thái cũng là một lịch sử của
phản bội. Sau khi hoàn toàn sở hữu vùng đất hứa, phần lớn người Do Thái đã từ bỏ
Thiên Chúa của Abraham cho các vị thần của cư dân địa phương. Ngay cả vua
Solomon, người khôn ngoan nổi tiếng đến nỗi Nữ hoàng từ phương Nam lên đường đến
Jerusalem để lắng nghe sự khôn ngoan của ông, cũng đã bỏ Chúa cho những vị thần
mang đến vương quốc Đavid từ rất nhiều người bà vợ mà ông ta đã cưới từ các quốc
gia xung quanh.
Không lạ chi, vương quốc David, sau
Salomon, đã bị chia thành hai quốc gia, Bắc quốc Israel, gồm mười bộ tộc, Vương
quốc Nam Judea gồm hai chi tộc Judah và Benjamin. Cả hai vương quốc đều đã
không học được bất kỳ bài học nào từ lịch sử phản bộ của tổ tiên. Họ lại thay đổi
trái tim, không yêu Thiên Chúa hết lòng hết trí khôn hết linh hồn. Họ thờ phượng
tà thần. Bởi thế, Bắc Quốc Israel sụp đổ vào năm 722 BC và Nam Quốc Judea vào
năm 587 BC.
Sụp đổ Nam Quốc dẫn đến lưu vong
Babylon, “Bên bờ sông Babylon, chúng tôi ngồi đó và ở đó chúng tôi khóc, chúng
tôi nhớ đến Zion” (Thánh Vịnh 137:1). Riêng Bắc quốc Israel biến mất vĩnh viễn
sau cuộc chinh phục của người Assyria, bởi vua Assyri đã trục xuất phần lớn người
dân Bắc quốc sang các nước xung quanh. Riêng người dân của Nam quốc, sau khi bị
lưu vong Babylon, may mắn hơn được phép trở về vùng đất Judea vào năm 539 BC.
“Tôi không còn
là một nửa con người tôi đã từng là.” Người sáng tác ca khúc “Yesterday” chắc hẳn
đã từng trải qua những mối tình say đắm. Vì yêu hết lòng, hết linh hồn và hết sức
lực, nên anh được biến đổi thành một con người mới. Cũng vậy, sau một thời gian
sống đời sống tu trì, tiếc thay tôi khám phá ra rằng tôi hầu như vẫn không thay
đổi, tôi vẫn là con người cũ với đầy đủ hỷ nộ ái ộ, vẫn nguyên vẹn thái độ tiêu
cực và bi quan về cuộc đời và con người. Nếu đúng tôi vẫn là tôi của ngày hôm
qua như thế, có lẽ Thiên Chúa không thực sự là trung tâm của đời tôi, hoặc có lẽ
Ngài không phải là ưu tiên của tôi, hoặc có lẽ tôi không hết lòng yêu mến Chúa.
Tất cả những điều
này đã xảy ra, bởi vì thực ra tình yêu của tôi dành cho Thiên Chúa không phải
là một tình yêu cuồng nhiệt, mà thực sự ra chỉ là một mối tình nguội lạnh, lờ đờ
nước hến.
Lời Nguyện
Lạy Ngài! Xin
ban con một trái tim yêu Ngài thiết tha!□
□ https://nguyentrungtay.net/identitycrisis.html
Comments
Post a Comment