Nguyệt San NGUỒN SÁNG: Nguyễn Trung Tây - Linh Mục Cho Thổ Dân

 


1.Chào Linh mục Nguyễn Trung Tây từ Papua New Guinea. Hình như mình có quen nhau đâu đó, phải không? Có thể nào cho độc giả Nguồn Sáng biết qua về mối… duyên gặp gỡ giữa Linh mục nhà văn Nguyễn Trung Tây và Mục sư nhà thơ Trần Nguyên Đán?

Kính chào Mục sư Thi sĩ Trần Nguyên Đán. Thật sự ra, chúng ta chưa bao giờ gặp nhau. Nhưng thật diệu kỳ, chúng ta biết nhau, và làm việc với nhau từ những ngày của năm 2010. Thời đó, ngài là quan lớn, một trong những thành viên chấm điểm của Giải VIẾT VỀ NƯỚC MỸ (VVNM). Năm 2010, tôi nhận được giải VVNM, qua tác phẩm “Gốc Phi Châu.” Rồi ngài Mục sư liên lạc với tôi. Email qua lại, hai người góp gạo viết chung truyện ngắn “Thần Cây Đa.” Rồi ngài ưu ái viết, gửi tặng riêng bài thơ, “Về đi Mike, chiều hôm đã đến rồi.” Thế đấy, thường xuyên liên lạc, nhưng vẫn chưa hề gặp mặt nhau một lần. Cám ơn kỹ thuật điện số. Qua trang mạng, internet, chưa diện kiến, nhưng chúng ta vẫn sinh hoạt chung, về thơ văn và cả niềm tin.
 


2. Linh mục cũng là một giáo sư chủng viện, và là một giáo sĩ từng có một thời gian dài với thổ dân Úc Châu (trong bài đăng kỳ này). Xin cho biết về các kinh nghiệm trong cả hai chức vụ ấy. 

Tôi là một chuyên gia về Kinh Thánh và Truyền Giáo học (Biblical Missiologist). Tôi dạy Kinh Thánh Kitô giáo, đặc biệt hoàn cảnh lịch sử và những nét thần học đặc thù của từng sách. Cạnh đó, tôi cũng có những lớp chuyên về phân tích học thuật của Tin Mừng. Riêng về môn Truyền giáo học, tôi giới thiệu lịch sử truyền giáo và những phương thế mới, thích hợp với bối cảnh ngôi làng toàn cầu của ngày hôm.

Hai môn khác nhau, nhưng kinh nghiệm của tôi trong hai lãnh vực này khá giống nhau, đó là sự chuyển mình, thay đổi của cả hai môn. Kinh Thánh căn bản vẫn là những nét thần học đó. Nhưng, bắt đầu từ những ngày Thần học Giải Phóng (Liberation Theology), một môn thần học bối cảnh xuất hiện từ Nam Mỹ, thần học Kitô giáo bắt đầu trăm hoa nở rộ. Từ nét khởi đầu của Thần học Giải Phóng, các nền thần học bối cảnh khác lần lượt xuất hiện, để rồi đi song song với Thần học Tây Phương. Thí dụ, Thần học Phi Châu phân tích Tin Mừng trong bối cảnh của người Châu Phi. Thần học Nữ quyền nhấn mạnh đến vai trò của những người phụ nữ như được trình bày trong Tin Mừng. Thần học Á Châu nhìn lại Tin Mừng từ góc nhìn văn hóa và bối cảnh của người tín hữu Á Châu. Tuy là mới, nhưng Thần học (bối cảnh) Nữ quyền, Phi Châu, Á Châu phát triển liên tục, bởi những nét thần học mới được liên tục khám phá ra trong bối cảnh địa phương. Thí dụ, tôi đã đặt vấn đề và đề nghị một cái nhìn Việt Nam về Tin Mừng Hóa Bánh Mì Ra Nhiều trong Gioan 6. Phân tích dưới khía cạnh văn hóa Việt Nam, tôi đề nghị người Kitô Việt Nam nói riêng và người Việt Nam nói c hung có thể hiểu tuyên ngôn Bánh Mì của Đức Giêsu trong Gioan 6:35 trong bối cảnh Việt Nam là, “Ta là Cơm hằng sống.”

Riêng về lãnh vực Truyền giáo, đồng hành với những tiến bộ của con người là sự ra đời những đề tài chuyên môn mới, thí dụ, Sinh Thái học (Ecology). Bắt đầu từ giữa thế kỷ hai mươi, giữa những thách đố gây ra bởi hiện tượng biến đổi khí hậu, Sinh thái học, một môn học mới đã xuất hiện nhằm nâng cao ý thức của nhân loại về nét linh thiêng của mọi tạo vật. Sinh thái học đồng thời cũng nhấn mạnh đến mối liên hệ, những tương tác và hệ lụy song phương giữa con người với Trái đất. Bởi thế ngoài những chuyên mục về Đối thoại Tôn giáo, Đối thoại Văn hóa, Đối thoại Người nghèo, Truyền giáo học trong ngày hôm nay cũng chú trọng rất nhiều về Đối thoại Môi Trường (dialogue with environment). Ngày hôm nay, Truyền Giáo học giúp người tín hữu nhận ra Thiên Chúa giao cho nhân loại sứ vụ (mission) “cấy trồng và chăm sóc” (Genesis 2:15) các loài thụ tạo trong mối tương quan Chủ Chiên và Con Chiên của Thánh Vịnh 23, chứ không phải Chủ Nhân và Đầy Tớ.


3. Trong riêng lãnh vực truyền giáo, xin Linh mục chia sẻ ý kiến của mình (điều gì, khi nào, tại sao, như thế nào…) về vấn đề này.

Riêng trong lãnh vực truyền giáo trong bối cảnh ngày hôm nay, tiếng chuyên môn có một cụm từ để chỉ về thực trạng của giáo hội Kitô toàn cầu: Paradigm Shift (Chuyển Trục). Chuyển Trục ở đây là trung tâm Kitô giáo đã chuyển từ Tây phương sang Á Châu và Phi Châu.

Trước thời Thế chiến thứ hai, các nhà truyền giáo Tây phương đi tới khắp nơi trên thế giới để rao giảng Tin Mừng. Họ là người đi truyền giáo. Những nước còn lại thời đó là “xứ (được) truyền giáo.” Thế giới từ sau Thế Chiến I đã thay đổi. Ngày hôm nay, các nước Tây phương trở thành “xứ (được) truyền giáo.” Họ trở thành xứ truyền giáo bởi hiện tượng trống vắng tín hữu Tây phương trong các giáo hội địa phương dẫn đến thực trạng trống không nhà thờ, để rồi thiếu hụt ơn gọi truyền giáo. Nhưng ngược lại, tín hữu các nước Á Châu và Phi Châu vẫn tiếp tục sinh hoạt với nhà thờ địa phương. Bởi thế niềm tin Á Châu và Phi Châu tiếp tục được nuôi dưỡng trong gia đình. Từ đó, ơn gọi dấn thân truyền giáo, mặc dù có sút giảm, vẫn là một con số đáng kể tại hai khu vực này.

Thực trạng sinh hoạt của nhà thờ Công giáo tại những quốc gia Tây phương, và chịu ảnh hưởng văn hóa Tây phương, như Hoa Kỳ, Canana, Úc Châu là một dấu chỉ rõ ràng về hiện thực Chuyển Trục mà tôi đang trình bày. Tại những quốc gia này, những nhà thờ sinh hoạt rộn ràng đều là những giáo xứ đa sắc tộc. Giáo dân tại đây phần lớn đến từ Phi Châu và Á Châu. Linh mục lãnh đạo giáo xứ này nếu không phải người Philippines, Hàn Quốc, Việt Nam, Ấn Độ thì cũng là một vị gốc Phi Châu. Trong khi đó, các nhà thờ người bản xứ chỉ còn những cụ già. Bởi thế, nhiều nhà thờ Bắc Mỹ, Úc Châu đều lần lượt phải đóng cửa. Riêng tại Úc Châu, rất nhiều nhà thờ bỏ không, cuối cùng được bán cho tư nhân.

Bởi thế, ngày hôm nay Giáo hội Công giáo đã kêu gọi Tái Truyền Giáo (New Evangelization), bắt đầu từ Giáo Hoàng Gioan Phaolô II qua Tông huấn Redemptorist Missio, và nhiều văn kiện khác.

 

4. Linh mục nghĩ thế nào về một tờ báo (như Nguồn Sáng) chuyên về mục đích truyền giáo, đem Tin Lành của Chúa Jesus đến cho người Việt? Điều đó cần thiết như thế nào và liệu có lỗi thời trong thời đại công nghiệp quá phát triển như ngày nay?

Tất cả những Kitô hữu đều có nhiệm vụ đi rao giảng về một Thiên Chúa quá yêu thế gian đến nỗi Ngài đã sai Con xuống thế gian để cứu rỗi thế gian (John 3:16). Và chính Đức Giêsu Phục Sinh, trước khi về trời, Ngài cũng sai các môn đệ đi ra thế giới rao giảng Tin Vui. Lệnh truyền này đều ghi lại trong cả bốn bản Tin Mừng, Mark 16:15, Matt 28:19, Luke 24:49 - Acts 1:8, John 20:21.

Sách vở, báo chí, truyền thanh và tất cả những phương tiện có thể sử dụng được đều được sử dụng từ những ngày đầu tiên của giáo hội Kitô để người tín hữu rao giảng Tin Vui, như lệnh Đức Giêsu Phục Sinh đã phán truyền.

Tôi nhận được những bản pdf của Nguồn Sáng. Qua những bản này, tôi nhận ra Nguồn Sáng trình bày rất đẹp. Bài vở phong phú. Nhưng Nguồn Sáng phải hỏi, độc giả của báo giấy Nguồn Sáng là ai? Tuổi thanh niên? Tuổi trung niên! Tuổi các cụ? Tuổi thanh niên 18 tới 25, tôi không dám chắc là họ sẽ đọc báo giấy. Bởi họ dành thời gian đọc trang mạng, và coi những hình ảnh đẹp cũng trên trang mạng. Bởi thế, tôi nghĩ, Nguồn Sáng có thể đưa những bài viết lên trang mạng Nguồn Sáng (nếu đã có). Hoặc chọn ra một số bài của từng số, đọc bài, rồi đưa lên Utube Nguồn Sáng. Hoặc thực hiện những cuộc phỏng vấn với các tác giả đóng góp bài.

Những sinh hoạt như thế này, báo giấy và báo mạng, phỏng vấn, v.v., tôi nghĩ thích hợp với tất cả các tín hữu Kitô người Việt.


5. Một câu hỏi hơi… rộng, anh chị em Công giáo và Tin lành có thể hợp tác với nhau như thế nào trong lãnh vực báo chí để đem Tình Yêu của Chúa Jesus đến cho người Việt?

Trước hết, phải nhắc đến Công đồng Vatican II của Công giáo họp năm 1962 tới 1965. Các vị lãnh đạo của Công giáo đã từng xác nhận ơn cứu rỗi cũng đến từ những tôn giáo thế giới, thí dụ, Do Thái giáo, Ấn Độ giáo, Hồi giáo, Phật giáo và những tín ngưỡng khác (Nostra Aetate). Vatican II không chỉ dừng lại ở đó, các vị lãnh đạo Vatican II còn xuất bản văn kiện Unitatis Redintegratio, “Sắc lệnh về sự Hiệp Nhất” của các Giáo hội Kitô/the Decree on Ecumenism. Unitatis Redintegratio nhắc lại huấn lệnh của Đức Giêsu trong bữa Tiệc Ly. Ngài mong ước những người môn đệ của Ngài hiệp nhất trong tình yêu Chúa Cha (Gioan 17:21). Từ đó cho đến ngày hôm nay, văn kiện Unitatis Redintegratio vẫn là nền tảng cho rất nhiều cuộc đối thoại hiệp nhất của Giáo hội Công giáo với Giáo hội Chính thống, Giáo hội Tin Lành và Giáo hội Anh giáo.

Nhưng rất tiếc, vẫn còn rất nhiều tín hữu Công giáo, đặc biệt tín hữu Việt Nam vẫn không biết và không được học hỏi về văn kiện Nostra AetateUnitatis Redintegratio. Bởi thế, tín hữu Công giáo Việt Nam vẫn còn rất xa lạ về những cuộc hiệp thông và đối thoại giữa các tín hữu của các tôn giáo bạn nói chung, và với anh chị em Tin Lành nói riêng.

Là một chuyên gia Kinh Thánh và Truyền Giáo học (đã từng dạy học ở Hoa Kỳ, Úc Châu, và hiện giờ Papua New Guinea), tôi vẫn sinh hoạt vẫn các tôn giáo bạn và tín hữu Tin Lành, khi được mời và khi có điều kiện. Thí dụ, khi biết báo Nguồn Sáng ra đời, tôi thường xuyên gửi bài tham gia theo từng chủ đề. Những điều này, thật sự ra, tôi vẫn chỉ đi theo lời dạy của Giáo hội Công giáo theo tiêu chí của hai văn kiện vừa nhắc ở trên. Trên tất cả, tôi cũng đi với chủ trương của Nguồn Sáng. Đó là, “đem Tình Yêu của Chúa Giêsu đến cho người Việt” qua phương tiện báo chí.

Xin được cám ơn Mục Sư Thi sĩ đã cho tôi có cơ hội chia sẻ với độc giả báo Nguồn Sáng một vài hàng tâm tình về Giáo hội Kitô và đời sống cá nhân. Nguyện xin Thiên Chúa tiếp tục chúc lành những sứ vụ báo Nguồn Sáng đang thi hành cho Đức Giêsu và Nước Trời.

  

Nguyện San NGUỒN SÁNG 16 (5, 2023): 70-74

Comments

Popular Posts