□ Rửa Chân Vào Thời Đức Giêsu

 


□ Bàn chân vào thời Đức Giêsu bị người Do Thái coi là thứ dơ bẩn cần phải rửa sạch trước khi bước vào nhà. Bởi thế, sau một chuyến đi, người Do Thái thường đến hồ nước công cộng của thị trấn để rửa đôi chân của mình. Hoặc trước khi bước chân vào nhà, người Do Thái cũng sẽ rửa chân. Hoặc để tỏ lòng hiếu khách, chủ nhà sẽ sai đầy tớ ra sân rửa chân cho khách. Vì vậy, rửa chân trong văn hóa Do Thái là một phong tục phổ biến và công việc chỉ dành riêng cho những người hầu hay nô lệ.

Cựu Tổng thống Mỹ George Bush trong một cuộc họp báo tại Iraq (14/12/2008) bất ngờ bị một phóng viên Iraq ném thẳng vào mặt một đôi giày. Trước khi ném chiếc giày đầu tiên vào tổng thống, ông nhà báo đã hét to: “Đây là nụ hôn tạm biệt của người dân Iraq, đồ chó.” Khi được một phóng viên phỏng vấn về tai nạn bị ném giày vào mặt, ông Bush đã giỡn đùa bằng một câu nói: “Oh! Đó là một chiếc giày cỡ số 10.” Nếu ông Bush hiểu nhiều về văn hóa Trung Đông nói chung và văn hóa Ả Rập nói riêng, đặc biệt phong tục rửa chân và trường hợp bị gọi đồ chó, ông đã không thấy sự cố hôm đó buồn cười. Gọi một người là chó hoặc ném giày vào ai đó là một xúc phạm nghiêm trọng trong văn hóa Trung Đông. Phong tục này bắt nguồn từ văn hóa Trung Đông coi chó là một thứ hạ cấp, và phương tiện giao thông thô sơ của vùng Trung Đông thời xưa.

Bàn về phương tiện giao thông vào thời Đức Giêsu, những con đường nối liền Galilee ở phía Bắc và quận Judea ở phía Nam là những con đường đất. Ngay cả những con đường giao thông trong cùng một quận hạt cũng tương tự như thế. Ngoài ra, thời Đức Giêsu, người ta thường đi dép hoặc săng-đan. Họ không có xe buýt hay ô tô nên phương tiện di chuyển phổ biến của người dân trong thế kỷ thứ nhất ở Palestine là đi bộ. Mọi người đi bộ từ thị trấn này sang thị trấn khác trên những con đường đầy bụi.

Do đó, đôi chân của họ nhanh chóng bám bụi và đôi khi cả những chất thải động vật trên đường. Bởi thế, bàn chân con người vào thời Đức Giêsu bị coi là bẩn thỉu và thấp kém. Ngoài ra, vào thời Đức Giêsu, ông thầy là người đứng đầu. Sư phụ ra lệnh, và các đệ tử tuân theo mà không hề thắc mắc. Tương quan giữa Đức Giêsu và các môn đồ như được diễn tả trong Kinh Thánh chính là mối quan hệ thầy và trò. Nhưng theo thánh sử Gioan, trong bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu cởi áo ngoài, lấy khăn thắt lưng và đổ nước vào chậu. Rồi Người bắt đầu rửa chân cho các môn đệ. Đây là một hiện tượng gây sốc cho các môn đệ của Đức Giêsu. Vì họ không bao giờ có thể tưởng tượng được ra cảnh tượng Sư phụ của họ lại sẵn sàng dùng đôi tay thanh khiết để rửa những gì bị coi là bẩn thỉu. Chắc hẳn các môn đệ đã há hốc mồm khi nhìn thấy Đức Giêsu bắt đầu rửa chân cho người thứ nhất. Đó là lý do tại sao Phêrô từ chối thẳng thừng lời mời của Đức Giêsu bằng một câu nói dứt khoát: “Không bao giờ.” Ông tiếp tục, “Thầy sẽ không bao giờ rửa chân cho con.”

Cuối cùng, Đức Giêsu hỏi các môn đồ một câu: “Các con có biết ta đã làm gì cho các con hay không? Các con gọi Thầy là Chủ nhân và Chúa - và đúng như thế, vì Thầy đúng là như vậy. Vậy nếu Ta, là Chúa và là Thầy, đã rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Vì Thầy đã làm gương cho các con, để các con cũng làm những điều như Thầy đã làm cho các con” (John 13:12-14).

 

Suy Niệm

Danh từ Kitô hữu cũng bao hàm ý nghĩa môn đệ Đức Giêsu. Bởi người tín hữu cũng là môn đệ, mọi người chúng ta đều phải hạ mình xuống để rửa chân cho nhau, và làm điều này một cách chân thành trong suốt cuộc đời Kitô hữu.

Là những người môn đệ của Đức Giêsu, chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc rửa chân cho anh chị em của mình, đặc biệt là những người không có tiếng nói, những người thấp cổ bé miệng trong xã hội.

Khi rửa chân cho nhau, theo như lệnh truyền của Ngài, chúng ta mới thực sự là môn đệ của Đức Giêsu, Người đã rửa những đôi chân bẩn thỉu của các người môn đệ.


Lời Nguyện

Lạy Ngài! Xin dạy con rửa chân tha nhân như Ngài rửa chân con

 

Comments

Popular Posts