MƯA-ƠN-TRỜI
Em hỏi tôi, “Bí quyết nào để thành công? Ngủ trễ, thức sớm, chuyên cần. Vậy đã đủ để mình sẽ trở thành một người thành công trong xã hội hay không?”
Nghe em hỏi, tự dưng tôi muốn phá ra cười (thật sự là tôi đã nhìn thấy mình đang đứng cười, thiếu điều muốn sặc cần cổ!). Em hỏi tôi, một người sinh ra và lớn lên với thất bại; có những lần thất bại đến nỗi khô khốc trống rỗng cả hai bàn tay (vừa nghĩa đen lẫn nghĩa bóng)!
Em mến,
Cuộc sống nào cũng là một hành trình của lên đường, tìm kiếm. Có những hành trình thành công. Có những hành trình… thì ngược lại!
Từ những ngày cuối cùng tháng Tư định mệnh, những con thuyền gỗ đã nhổ neo lên đường bỏ lại sau lưng bờ biển quê hương. Trên những khoang thuyền tỵ nạn chật hẹp, bao nhiêu thân xác Việt Nam tay giơ cao ngang trán ngong ngóng chờ đợi giây phút diện kiến sợi chỉ mới tinh khôi kéo dài nơi đường chân trời. Những con thuyền tỵ nạn đã khởi hành với lòng quyết tâm và lòng đam mê đời tự do. Sau những ngày giờ trôi nổi trên sóng nước, những con thuyền gỗ cuối cùng dừng những vòng quay chân vịt, đỗ lại tại bến lạ, Phi Luật Tân, Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương, Hong Kong. Một trang sách mới mở ra chào đón những người quyết tâm lên đường. Hành trình kiếm tìm tự do chung cuộc là một hành trình thành công.
Cộng đồng Việt Nam hải ngoại, sau những ngày tháng tỵ nạn, cuối cùng, tái định cư trên những vùng đất mới, Na Uy, Đức, Pháp, Hoa Kỳ, Canada, Úc Châu. Những bàn chân Việt, gần như một mẫu số chung, khởi đầu hành trình mới tại những quốc gia mới với hai bàn tay trắng tinh! Sau một cuộc bể dâu tại quê nhà, sau những giây phút nhấp nhô trên sóng biển, sau những mòn mỏi đợi chờ tại trại tỵ nạn, người Việt lên đường với gia sản của con số không, không gia đình, không công việc, không ngôn ngữ, không tài sản. 45 năm đã trôi qua, con số không của ngày xưa giờ đã chuyển mình, hóa ra phố Little Saigon của Quận Cam (bảng đường chỉ dẫn từ xa trên những siêu xa lộ Nam Cali). Bắc Cali với Vietnam Town lẫy lừng vươn cao chiếm gọn mấy góc phố. Ở đâu có người Việt, nơi đó có phố xá, quán ăn, nhà thờ, đình chùa của người Việt.
Tuổi trẻ Việt Nam thành công trong nhiều lãnh vực y như tuổi trẻ bản xứ. Tuổi trẻ Việt nói tiếng Anh và tiếng Việt giỏi như nhau. Tuổi trẻ Việt giáo sư trường đại học, bác sĩ tại bệnh viện, CEO tại các hãng xưởng lừng danh, Phó Thủ Tướng nước Đức. Dừng lại một phút để tự hỏi, tại sao lại có hiện tượng đũa thần đổi thay Cô Tấm lọ lem. Câu trả lời nằm ở lòng quyết tâm và sự say mê, hai trong số nhiều yếu tố đã góp phần vào hiện tượng Việt Nam tỵ nạn thành công. Bởi quyết tâm và say mê xây dựng lại một đời sống mới tinh trên vùng đất mới, gia đình Việt Nam, cả bố cả mẹ lên đường nhập cuộc. Trời thu cũng như trời đông, bố mẹ tỵ nạn chở con tỵ nạn tới trường; khi con biến mất sau khung cửa, bố mẹ quay ra nhập vào dòng xe cộ ngược xuôi hướng thẳng tới công xưởng làm Technician, Assembler, bưng tô Phở, nửa đêm về sáng quét dọn quán rượu Mễ, và đủ các nghề để kiếm tiền nuôi con Việt. Ngày thứ Bẩy, Chúa Nhật, bố mẹ chở con tới trường Việt Ngữ học tiếng Việt. Bởi quyết tâm và say mê xây dựng một tương lai vững chắc cho mình và cho con cái, bố mẹ Việt Nam hy sinh tất cả. Bởi thế, tỵ nạn Việt Nam thuả xưa biến hình. Hành trình Việt Nam hải ngoại, 45 năm viễn xứ, hành trình thành công.
Tôi nhìn em một lần nữa. Lần này tôi nói,
— Nếu quyết tâm và đam mê, hy vọng rất nhiều hành trình em đang theo đuổi sẽ là một hành trình về đích với hoa quả thơm tho và ngọt ngào (thơm tho cho riêng hồn mình và ngọt ngào cho xã hội).
Tôi suy nghĩ rồi nói tiếp,
— Một bộ óc quyết tâm và một trái tim đam mê vẫn chưa đủ. Vẫn còn một yếu tố khác, một yếu tố chung cuộc, yếu tố này sẽ quyết định tất cả…
Em rõ ràng ngạc nhiên, háo hức chờ đợi,
— Cha ơi! Yếu tố nào vậy?
Tôi nói ngay,
— Ơn Trời!
Những con thuyền tỵ nạn đã cương quyết lên đường mặc dù biết trước hành trình tỵ nạn nhiều nỗi gian nan, tù tội, sóng biển, ngư phủ Thái, và xua đuổi từ phía chính quyền của những nước lân bang. Mà thật sự là như vậy, nhiều con thuyền gỗ xuất phát từ cửa biển Việt Nam đã không bao giờ cặp bến. Biển xanh đã biến thành mộ phần cho nhiều mảng thuyền tỵ nạn và thân xác Việt Nam, những máu đỏ da vàng quyết tâm lên đường bởi mê say hít thở không khí tự do. Những con thuyền còn lại cặp bến (dù có là rách nát!) hoàn toàn nhờ vào Ơn Trời. Không có Ơn Trời, thuyền tỵ nạn và thuyền nhân sẽ không bao giờ có cơ hội đặt chân lên bờ, bước đi những bước chân tự do (chữ Ơn này, xin ngắn gọn, cũng có thể gọi với chữ Duyên, Duyên Trời, hoặc Lòng Chúa Thương Xót).
Cũng tương tự như thế, tất cả những thành công của cộng đồng Việt Nam tại Mỹ và trên thế giới cũng đều nhờ vào Ơn Trời. Có lòng quyết tâm, có niềm đam mê, nhưng không có Ông Trời tặng ban sức khỏe sung mãn và ngay cả những toa thuốc chữa lành vết thương (thân xác và tâm hồn), thương xá Việt Nam rộn ràng và tòa nhà chủ nhân danh tính Việt Nam cao ngất trên những đỉnh đồi sẽ không bao giờ xuất hiện trên mặt quả địa cầu. Chẳng trách chi, ông bà mình có câu, “Người tính không bằng Trời tính”.
Tôi dừng lại. Em và tôi cùng nhìn ra ngoài khung cửa văn phòng bởi những tiếng mưa rơi lộp độp trên mái nhà.
Mưa kéo về sa mạc nguyên một tuần rồi. Mưa từ sáng tới chiều, mưa tiếp tục tưới xanh xanh cỏ từ nửa đêm về sáng. Cả một vùng trời héo úa bỗng dưng bừng xanh hớn hở vui tươi. Trời xanh, đất xanh, cỏ xanh! Cả một bức tranh héo úa giờ này rộn ràng mầu xanh. Bởi Mưa-Ơn-Trời, cỏ khô chuyển mình thay đổi màu sắc. Giờ này xanh xanh ngút ngàn!
Tôi bước ra sân, giơ hai bàn tay hướng lên trời cao hứng lấy những hạt nước mát lạnh của thiên đàng. Mưa-Ơn-Trời tuôn đổ thấm ướt hai bàn tay tôi khô cằn từ bao lâu nay. Mưa đổ xuống, tôi giơ hai tay ra hứng lấy. Mưa đổ xuống đầy tràn lênh láng hai bàn tay tôi từ lâu khô khốc trống rỗng.
Cuộc sống nào cũng là một hành trình của lên đường tìm kiếm. Có những hành trình thành công bởi nhờ vào một tấm lòng quyết tâm, một trái tim đam mê, và trên hết tất cả, nhờ vào Ơn Trời.
Nguyễn Trung Tây
Comments
Post a Comment