Từ Một "Thiên Bào"
Tại vùng đất Ur nay thuộc Iraq, Abraham đã nhận được lời mời gọi của Thiên Chúa, rời bỏ quê cha đất tổ, di dân đến vùng đất Canaan, nay bao gồm Do Thái và Palestine. Trên hành trình di dân đến vùng đất mới, Thiên Chúa nhiều lần đối thoại với Abraham và hứa sẽ biến ông trở thành tổ phụ của một dòng dõi đông như sao trên trời. Bởi thế, Ngài đổi tên Abram sang Abraham, có nghĩa là “cha của nhiều người.” Đúng như lời hứa của Thiên Chúa, Abraham đã trở thành tổ phụ của Do Thái giáo, Kitô giáo, và Hồi giáo. Cả ba tôn giáo này đều thờ phượng Thiên Chúa. Trong những bối cảnh riêng biệt, Do Thái gọi Thiên Chúa là Adonai, Kitô giáo gọi Ngài là Abba/Cha, và Hồi giáo gọi Ngài là Allah. Ngày hôm nay, tín đồ của Kitô giáo là 2.382 tỷ người, chiếm khoảng 31.1% dân số thế giới của 7.79 tỷ người; tín đồ Hồi giáo là 1.907 tỷ người chiếm khoảng 24.9%; và Do Thái giáo là 14.7 triệu chiếm khoảng 0.18%. Lời hứa của Thiên Chúa với tổ phụ Abraham trở thành một sự thật!
Tại quê hương của tổ phụ Abraham, Pope Francis đã chia sẻ một thông điệp không ai có thể chối từ. Đó là, tín hữu của Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo là hoa quả của một lời hứa từ Thiên Chúa tới Abraham. Hơn thế nữa, Pope Francis đã mời gọi tín hữu của ba tôn giáo này nhìn lên bầu trời để nhận ra các ngôi sao mà Thiên Chúa và vị tổ phụ đã cùng ngước nhìn và chiêm ngắm khi những cuộc đối thoại giữa hai người đang diễn ra. Chưa hết, Pope Francis còn nhấn mạnh đến một chi tiết sâu sắc mang đầy nét biểu tượng. Đó là, trong khi đang chiêm ngắm những ngôi sao này, tổ phụ Abraham đã nhìn thấy những người con cháu của Tam giáo.
Bởi có chung một Thiên Chúa, trên tất cả đây là một Thiên Chúa của từ bi, Pope Francis đặt vấn đề với tín hữu Tam giáo. Vị lãnh đạo Công giáo tin rằng thù ghét anh chị em của mình là một điều sỉ nhục tới danh thánh của Đấng Tối Thượng mà họ cùng tin vào và tôn thờ. Pope Francis xác định thù ghét có thể được nhận ra qua thái độ “thù địch, chủ nghĩa cực đoan và bạo động.” Ba điều này không được sinh ra từ trái tim từ bi của Tam giáo. Hơn thế nữa, đây là một “sự phản bội” Thiên Chúa của tổ phụ Abraham.
Pope Francis tự nhận mình là “người hành hương” về vùng đất thánh. Ngài nói, để khẩn cầu sự tha thứ và hòa giải từ Thiên Chúa sau nhiều năm chiến tranh và khủng bố giữa ba tôn giáo. Là một người hành hương, vị lãnh đạo của người Công giáo viếng thăm vùng đất cội nguồn. Nơi đây, đại diện cho tất cả tín hữu Công giáo và, ở một góc độ nào đó, cho người Kitô hữu, Pope Francis xác định nguồn gốc thế trần của tín đồ Kitô giáo. Nơi đây, Pope Francis cũng đã mời gọi tín đồ của ba tôn giáo chia sẻ và hân hoan với món quà quý giá của tương đồng thay vì tiếp tục chia rẽ và thù hận bởi khác biệt. Điểm tương đồng nổi bật chính là chúng ta đã tới từ một Thiên Chúa và một tổ phụ. Bởi vậy tín đồ của cả ba tôn giáo đều là anh chị em của nhau. Và đây là căn tính đặc thù của tín đồ Tam giáo.
Căn tính tương đồng này, Pope Francis không chỉ chia sẻ tới người Hồi giáo mà cả người Kitô giáo và Do Thái giáo. Bởi thế, Pope Francis đã tuyên bố chuyến tông du tới Iraq là một cuộc hành hương xám hối, để khẩn cầu sự tha thứ và hòa giải từ Thiên Chúa của Abraham sau bao nhiêu năm chiến tranh giữa những người anh chị em có chung một gốc nguồn.
Những tế bào sống đầu tiên của trái đất đã đến từ những hạt bụi của ngôi sao trong vũ trụ. Từ đơn bào, vào một giây phút nào đó, cuộc sống đơn bào nhân đôi lên, và tiếp tục nhân ra thành những sinh vật đầu tiên trên quả địa cầu. Con người dưới lăng kiếng khoa học do đó có nguồn gốc từ những ngôi sao trong vũ trụ. Cũng không là một điều bất ngờ trong cuộc đối thoại với Abraham, Thiên Chúa nói và cũng là một lời hứa rằng con cháu của ông sẽ đông như ngôi sao trên bầu trời. Liên kết lại những điểm tương đồng, tín đồ của ba tôn giáo chia sẻ chung một mối liên hệ có thể gọi là “thiên bào.” Từ tổ phụ Abraham, từ những ngôi sao của vũ trụ, và từ một “bào thai” trong lòng của một Thiên Chúa, tín đồ Do Thái, Kitô và Hồi giáo đã nẩy sinh. Bởi thế, họ đều là anh chị em của nhau. Điều này một lần nữa xác định căn tính tuyệt đối của tín đồ Tam giáo.
Từ một nguồn gốc một căn tính, tín đồ Tam giáo thật sự giống nhau nhiều hơn là chúng ta đã từng nghĩ!
Nguyễn Trung Tây
Comments
Post a Comment