Đường Hạnh Phúc và CHÚA của Nhạc sĩ Trần Kính Lữ - NTT


Kinh Hòa Bình là lời kinh được viết bởi Phanxicô thành Assisi, “người ăn mày nổi tiếng của thế giới.” Kinh Hòa Bình gợi ý và đưa ra những con đường nho nhỏ dẫn tới miền hạnh phúc.

Phanxicô thành Assisi là một thiếu gia. Con của một gia đình buôn bán gấm vóc của thành Assisi, thiếu gia Phanxicô không thiếu thốn bất cứ điều gì, tình yêu, sự nghiệp, và danh vọng. Nhưng thiếu gia lại biết sâu thẳm trong tâm hồn, anh chàng không hạnh phúc. Mà nếu mình không hạnh phúc, thì mình biết, Trời biết và Đất cũng biết.

Ngày rồi cũng tới, thiếu gia Phanxicô quyết định trả lại bố mẹ tất cả những gì thuộc về anh ta, y phục trên người, địa vị thiếu gia, và luôn cả sự nghiệp buôn bán. Thế là thiếu gia Phanxicô trở thành người hành khất. Ngày ngày tu sĩ vác bình bát đi ăn xin vào tấm lòng tử tế của thiên hạ. Thế đấy, thật là không thể ngờ, khi buông bỏ tất cả, chỉ còn sở hữu một bộ tu phục nâu và một bình bát, thiếu gia một thời Phanxicô chạm được niềm hạnh phúc. Bởi qua kinh nghiệm bản thân, Phanxicô mới biết,

— Khi cho đi, đó cũng chính là lúc nhận được;

— Khi “quên mình,” đó cũng chính là lúc “gặp lại bản thân;”

— Khi hiến tặng cuộc sống, đó cũng là lúc được “nhận lãnh” tràn đầy trên đôi bàn tay trống rỗng của đời tu sĩ khất thực.

Nói một cách khác, tu sĩ bình bát Phanxicô hiểu rằng, trong cuộc sống này, nếu có con đường dẫn tới đau khổ, thì cũng có con đường dẫn tới hạnh phúc. Con đường dẫn tới hạnh phúc theo như Phanxicô là ban tặng mà không tính toán, là cảm thông mà không lên án, là chia xẻ mà không giữ lại tính toán cho riêng mình.

Đối với người hành khất Phanxicô, hạnh phúc là một chọn lựa. Khi chọn lựa ban tặng mà không tính toán, tôi không còn chọn lựa đau khổ nữa, nhưng hạnh phúc.

Có một thời gian tôi làm việc trong sa mạc với người Thổ dân Úc Châu. Sa mạc ở đâu cũng thế là một thử thách lớn với tất cả mọi người. Tôi gặp rất nhiều khó khăn với đời sống sa mạc. Tôi đã nản, đã muốn buông xuôi, và bỏ cuộc! Tôi đã nản chính mình, nản cuộc đời, và nản cả ơn gọi tu sĩ. Thật vậy! Nhưng ơn trời đổ xuống, tôi tự nhiên khám phá ra mình gặp khó khăn trong sa mạc Úc Châu là bởi mình không dự tính an cư lạc nghiệp với dân sa mạc trong vùng sa mạc. Chỉ đến khi tôi chọn lựa, một cái chọn lựa rõ ràng, đó là tôi ở lại với dân sa mạc, sống giữa những người sa mạc, sống như người sa mạc chứ không phải “bắt buộc” người ta phải sống đời sống thị thành như mình. Nói một cách khác, tôi chấp nhận buông bỏ tất cả… Chỉ đến giây phút đó, tôi mới bắt đầu dần dần vui ra hơn, cười nhiều hơn, khuôn mặt bớt đi những nét nhọc nhằn do những cái chọn lựa đau khổ cầy sâu mang lại.   

Kinh Hòa Bình là một lời kinh của mọi người và cho mọi người không phân biệt tôn giáo, màu da, giới tính. Hạnh phúc theo như lời kinh là một chọn lựa. Nếu tôi muốn hạnh phúc, tôi chọn “làm cạn ly trà của mình.” Khi đó, ly trà của tôi không còn trà cũ, trà mới tinh khôi được đổ tràn đầy vào trong ly trà tâm hồn. Cho nên không lạ chi, khi người ăn mày nổi tiếng của thế giới nói, “Chính lúc chết đi, là khi vui sống muôn đời.” Thế đấy, chỉ khi tôi buông bỏ tất cả, khi đó hạnh phúc ghé vào thăm viếng và thân mật chuyện trò.

Hạnh phúc từ trước cho tới ngày hôm nay vẫn là một chọn lựa.

Nguyễn Trung Tây 

Comments

Popular Posts