Chuyện TU SĨ Chuyện EM: Giáng Sinh Đơn Sơ Năm 2020


Giáng Sinh 2020 về. Trời phố cao nguyên Tagaytay của Philippines như thường lệ vẫn nóng. Nhiều hôm hơi ẩm đọc được trên màn ảnh điện thoại xấp xỉ con số 100. Riêng em, cô sinh viên xứ Quảng bị kẹt lại ở xứ Phi vì đại dịch Covid-19, không về Việt Nam ăn Noel được. Chiều Chúa Nhật thứ Tư mùa Vọng, sau thánh lễ giãn cách và khẩu trang, gặp tôi, em mặt buồn thiu. Em than ngắn thở dài, “Năm nay Giáng Sinh không có gì vui!” Tôi quen lệ, nói ngay, “Vẫn có nhiều niềm vui đấy chứ…” Tôi đang dự tính nói tiếp, “Bố mẹ còn sống sót sau mùa lũ tháng 11 nhé! Mấy con trâu còn nguyên trong chuồng nè! Thôn làng đang từ từ hồi sinh…” Nhưng tôi ngưng ngang những lời an ủi. Tôi biết mình đang sáo mòn ngôn từ. Thật nhanh, tôi nghĩ tới một nét đặc biệt khác của Giáng Sinh để an ủi em và cũng là để an ủi chính mình.

Tháng 12 năm nay đặc biệt quá. Một năm nếu phải đặt tên sẽ gọi là năm đại dịch Covid! Cũng bởi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán. Rồi thật nhanh lan ra khắp thế giới, Nam Hàn, Ý, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Brazil, Nga, Việt Nam, Philippines, v.v… Thoạt tiên chỉ riêng Vũ Hán bị “lockdown.” Nhưng rồi Hoa Kỳ, Philippines, Việt Nam kẻ trước người sau, lần lượt đóng cửa đường biên giới. Thế giới “lockdown” hoặc “shelter-in-place" gần như khắp nơi. Không thương xá! Không du lịch! Không thánh lễ! Công trường thánh Phêrô, bình thường rộn ràng người. Thật bất ngờ, trống trơn không còn ai, ngoại trừ Đức Giáo Hoàng Francis một mình một bóng đứng lặng lẽ bên khung cửa. Mùa Chay 2020 quay về, nhưng giáo đường gần như cửa đóng then cài. Tuần Thánh cũng thế! Đến ngày hôm nay, nhiều nơi vẫn còn bị “lockdown” hoặc “stay-at-home” hoặc “quarantine.”

Giáng Sinh Philippines: Đơn Sơ - Bởi đại dịch, mùa Giáng Sinh ở Philippines bị ảnh hưởng nặng nề. Người Philippines đón mùa Noel từ tháng 9 - bởi thế người dân Phi vẫn nửa đùa nửa thật nói với nhau, “Philippines là quốc gia có mùa Giáng Sinh dài nhất thế giới.” Thông thường, ngay từ ngày đầu tiên của tháng 9, nước Phi khởi sắc với không khí Noel. Vô thương xá, thiên hạ bắt đầu được lắng nghe nhạc Noel vang vang, “I’m dreaming of a white Christmas…” Bước ra đường, đèn ngôi sao treo cao trên những cây cột điện dọc theo hai bên đường bật sáng một khoảng trời đêm đen. Tuần chín ngày mừng Giáng Sinh (tiếng Tagalog gọi “Simbang Gabi”), người dân Phi, từ già tới trẻ, từ thanh niên tới thiếu nữ đều thức dậy sớm. Người nghèo đi bộ, dân giàu lái xe; người người kéo tới chật cứng giáo đường lúc 5 giờ sáng tham dự thánh lễ chín ngày. Nhưng rất tiếc, bởi đại dịch Covid-19, tháng 12 năm nay thương xá vẫn hạn chế người ra vô. Philippines có một khoảng thời gian đạt tỷ số người nhiễm Coronavirus cao nhất vùng Đông Nam Á. Bởi tình hình “quarantine” một phần hay toàn phần tại Philippines, tuần chín ngày “Simbang Gabi” trước đại lễ Giáng Sinh nhiều nơi tổ chức “online.” Có nơi thánh lễ Simbang Gabi trong nhà thờ. Nhưng cũng phải hạn chế số người tham dự. Bởi Covid-19, đảo quốc Philippines ăn mừng Giáng Sinh năm nay trong tinh thần đơn sơ.

Giáng Sinh Việt Nam: Đơn Sơ - Đại dịch ghé vào Việt Nam hai đợt, đợt đầu do một ông bố Vũ Hán du lịch vào Việt Nam thăm người con trai đang làm việc. Đợt hai bộc phát tại Đà Nẵng. Đợt ba bùng phát tại Sài Gòn. Việt Nam cũng có một thời gian bị phong tỏa. Nhà thờ cũng đóng cửa. Mùa Chay và Tuần Thánh thánh lễ “online.” Nhưng Việt Nam tương đối ổn định với Covid-19. Con số ca nhiễm và người chết bởi đại dịch được chính quyền đưa ra là một con số thấp. Có lẽ bởi người Việt quen thuộc với khẩu trang, và đeo khẩu trang thường xuyên, vi khuẩn SARS-CoV-2 dường như bị chặn. Hiện nay tại Việt Nam, thánh lễ đã mở lại. Việt Nam nhiều giáo xứ vẫn đón Giáng Sinh với hang đá, thánh ca. Nhưng những trận bão và siêu bão từ biển Đông liên tục kéo về. Người dân miền Trung tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi sống với nước lũ trong vòng một thời gian dài. Thiên tai khiến giáo dân Công giáo tại những vùng bị nước lụt mất đi bầu không khí tưng bừng đón mừng Giáng Sinh hằng năm. Giáng Sinh Việt Nam năm nay, bởi tình hình đại dịch và thiên tai, nói chung vẫn là một Giáng Sinh đơn sơ.

Giáng Sinh Mỹ: Đơn Giản Tối Đa - Mỹ là một trong những quốc gia bị đại dịch tàn phá. Nhiều người bị nhiễm, nhiều người chết. Nước Mỹ một thời gian dài đứng đầu danh sách quốc gia bị Covid-19 tàn phá và tiếp tục đứng nhất cho tới giây phút hiện tại. Quận Los Angeles bị phong tỏa liên tục. Con số thống kê mới nhất đưa ra, cứ 10 phút có 1 bệnh nhân Covid chết tại Quận Los Angeles. Đầu tháng 12, tất cả các quận của tiểu bang Cali cũng bị phong tỏa. Quận Cam và Quận Santa Clara, nơi có nhiều người Việt định cư, ICU chật kín bệnh nhân Covid-19. Tình hình Cali cũng là tình hình chung của nước Mỹ mùa đại dịch. Bởi đại dịch, tất cả những sinh hoạt của nước Mỹ đều bị ảnh hưởng. Tiệm mở cửa, nhưng hạn chế số người. Thương xá đóng cửa. Quán ăn đóng cửa.

Bởi lệnh ở-yên-một-chỗ, Giáng Sinh năm nay nhà nào đón Giáng Sinh ở nhà đó. Không tụ tập, không ăn uống với người thân ở khác nhà. Chính quyền đề nghị người dân không bay, không thăm viếng nhau trong mùa lễ hội.

Bị phong tỏa, nhưng nhiều giáo phận kháng lệnh. Tòa án Tối Cao Hoa Kỳ cuối cùng đồng ý với quyền tự do tín ngưỡng của người Hoa Kỳ. Bởi thế, nhiều nhà thờ mở “cửa” cho thánh lễ với số người tham dự hạn chế, nhưng chỉ được ngồi ngoài sân. Thánh lễ tháng 11 tháng 12 lạnh buốt. Giáo dân nhiều người lớn tuổi ngồi ngoài sân áo ấm dầy kín. Trong suốt thánh lễ, linh mục chủ tế và giáo dân đều đeo khẩu trang kín mặt. Linh mục chủ tế trên cung thánh rửa tay liên tục trong thánh lễ. Tới giờ rước lễ, từng người từng người đứng yên tại ghế. Người người lại một lần nữa phải rửa tay thật cẩn thận trước khi rước lễ. Linh mục bước tới. Ngài cẩn thận trao Mình Thánh vào lòng bàn tay giáo dân. Thánh lễ mùa dịch cử hành nhanh nhanh tối đa, để bà con nhanh nhanh giải tán. Sau thánh lễ, không ai nói chuyện với ai. Mọi người nhanh nhanh đi ra xe, nhanh nhanh đề máy, nhanh nhanh lái thẳng về nhà. Mặc dầu vẫn mở cửa, nhưng số người chọn ở nhà tham dự thánh lễ “livestream” vẫn khá nhiều. Có lẽ bởi nỗi sợ bị lây nhiễm. Mặc dù đã có vaccine Plizer và Moderna, tình hình dịch bệnh ở Hoa Kỳ vẫn ảm đạm. Lễ Vọng Giáng Sinh nhiều nơi tổ chức sớm, 4 giờ chiều hoặc 6 giờ chiều. Hoa Kỳ năm nay đón một Giáng Sinh thật đơn sơ, rất đơn sơ.

Giáng Sinh Thế Giới: Đơn Sơ - Tháng 11. Một số thành phố lớn của Pháp, Tây Ban Nha, Anh, Đức tái thiết lập lệnh phong tỏa bởi đại dịch. Tháng 12, đường biên giới với Anh bị đóng cửa, bởi chủng Covid, mới khám phá tại Anh có khả năng lây lan siêu tốc, từ 40 cho tới 50 phần trăm nhanh hơn chủng hiện thời. Úc Châu từ những ngày của tháng 3 vẫn bị Coronavirus đe dọa nặng nề. Phố lớn Melbourne Úc Châu có một khoảng thời gian rất dài đóng cửa. Trước Giáng Sinh mấy ngày, Sydney lại đóng cửa. Nga là quốc gia đứng hàng thứ tư trong danh sách những quốc gia có số người nhiễm Covid-19 cao nhất. Quốc gia Công giáo Brazil đứng hàng thứ ba sau Ấn Độ xếp hạng hai. Mùa Giáng Sinh năm 2020 nói chung trên toàn thế giới diễn ra với hạn chế ra đường, thương xá đóng cửa, quán xá ngủ yên. Giáng Sinh về, nhưng nhiều nơi vẫn giãn cách, vẫn đeo khẩu trang. Bởi vậy, thế giới đón một mùa Giáng Sinh năm 2020 khác thường, một mùa Giáng Sinh đơn sơ.

Giáng Sinh Đầu Tiên: Đơn Sơ - Giáng Sinh của thế giới đương đại thông thường xuất hiện với hang đá đèn chớp sáng hoặc cây thông đèn màu. Nét rực rỡ của Giáng Sinh của thiên niên kỷ thứ ba đã phần nào làm lu mờ hình ảnh Giáng Sinh đầu tiên của dòng lịch sử ơn cứu độ, đó là một Giáng Sinh thật sự đơn sơ.

Bởi quán trọ của phố Bethlehem không còn phòng trống, tới giờ hạ sinh, Mẹ Maria lấy khăn quàng đầu bọc và đặt Hài Nhi nằm trong máng cỏ (Luke 2:7). Không hiểu thánh sử Luke muốn nhắn gửi điều gì, nhưng ngài nhắc chi tiết “máng cỏ” tới ba lần trong cùng một chương (Luke 2:7, 12, 16). Máng cỏ cho chiên lừa ăn không phải là nơi để bất cứ hài nhi nào sinh ra, nhưng Ngôi Lời đã hạ sinh nơi máng cỏ. Máng cỏ trong xã hội Do Thái vào thời đó là một hình ảnh biểu tượng của nghèo nàn, hoặc đơn sơ. Giáng Sinh đơn sơ nối tiếp với hình ảnh của những mục đồng ghé vào kính viếng Hài Nhi thánh. Mục đồng là những người thuộc giới cùng đinh trong xã hội Do Thái. Mục đồng ghé vào kính viếng Ngôi Lời hạ sinh nơi máng cỏ do đó đã tô thêm đậm nét đơn sơ của mùa Giáng Sinh đầu tiên.

Giáng Sinh Mùa Đại Dịch Covid-19 - Không ai ngờ mùa đại dịch thế kỷ đã kéo dài gần một năm. Đến giờ phút này, người tín hữu vẫn đang tự hỏi, “Tại sao đại dịch xuất hiện?” hoặc, “Thiên Chúa đang muốn nói gì với con người qua đại dịch Covid-19?” Để biết Thiên Chúa muốn nói những điều gì với trần gian, Giáo Hội nói chung và chúng ta nói riêng cần một khoảng thời gian để lắng nghe và tìm hiểu. Tuy nhiên, có một thông điệp từ Thiên Chúa mà con người đã đọc được ngay sau khi thế giới bị “lockdown;” đó là, môi trường thiên nhiên đã bớt ô nhiễm hơn, cây rừng vươn cao hơn, thú vật tự do hơn khi con người bị “nhốt” nhiều hơn. Một sự thật khó mà chối cãi!

 

Em mến,

Chủ quán chia sẻ với em nỗi buồn bởi em không được về với gia đình ăn mừng đại lễ Giáng Sinh. Từ những ngày phố của chủ quán bị đóng cửa, cũng như em, chủ quán cũng buồn bởi bị “nhốt” trong một thời gian rất dài. Đang rộn ràng với mục vụ, đi đó đây; giờ bị khóa chân một chỗ, chủ quán cuồng chân, chán, buồn, và nản lắm! Nhưng bởi bị “nhốt,” trường học đóng cửa, mọi sinh hoạt của học viện đều dừng lại, chủ quán mới dư thừa thì giờ nhìn chăm chú qua khung cửa để nhận ra trời xanh hơn, bầu không khí trong lành hơn, và tiếng chim sẻ hót rộn ràng hơn. Nhờ thế, chủ quán mới nhận ra từ ngày con người của năm châu bị hạn chế ra đường, bầu trời sạch hơn, cây xanh mọc cao hơn, nhiều động vật được tự do đi lại hơn.

Nhìn dưới hệ quả nhà kiếng, đại dịch Covid-19 đánh thẳng vào lòng tham vô đáy của con người. Bởi lòng tham này, con người đã hăm hở tận diệt rừng xanh tàn phá biển bạc “cho một nền văn minh thượng thặng!” Không ai cản được lòng tham của con người. Nhưng vi khuẩn SARS-CoV-2 lại dư thừa khả năng làm được điều tưởng như bất khả thi này. Kể từ ngày Coronavirus xuất hiện, thật nhanh, đường xá vắng bóng xe cộ thải khí độc, trời xanh lác đác những chuyến bay (cứu hộ) ô nhiễm bầu khí quyển, cánh cửa của công xưởng thải khí độc lên trời và nhà máy đổ hóa chất ra biển đóng sập lại. Nói một cách khác, từ khi đại dịch xuất hiện, tất cả mọi sinh hoạt “bình thường” của con người: phá rừng xanh bạt ngàn, xây cao những tòa tháp văn minh thượng thặng Babel đều dừng ngang lại. Bị “nhốt” trong nhà, con người bớt hoặc không còn đi “shopping” mua những thứ không bao giờ sử dụng đến. Trần gian bớt hoặc không còn những bữa tiệc không cần thiết trong ngày hoặc cuối tuần nữa. Con người nói chung sống một đời sống đơn sơ trong mùa đại dịch Covid-19.

Nét đơn sơ mùa Giáng Sinh đại dịch nhắc nhở Giáng Sinh đầu tiên. Nét đơn sơ của máng cỏ Hài Nhi bị nhiều người tín hữu quên mất, nhưng thật bất ngờ lại được nhắc nhở bởi Coronavirus vô hình. Chưa hết, đại dịch tạo ra “lockdown” và những hệ quả xảy ra ngay sau đó (trời xanh hơn, thú vật tự do hơn) còn nhắc nhở con người về tình yêu không biên giới của Thiên Chúa; tình yêu không phân biệt này đã được chính Ngôi Lời mặc khải trong cuộc đối thoại với Nicodemus, “Thiên Chúa quá yêu thương thế gian đến nỗi ban cho thế gian Người Con của Ngài” (John 3:16). Thế gian này không chỉ có riêng người Do Thái, nhưng bao gồm các sắc tộc khác, Việt Nam, Lào, Philippines, Mexico, Mỹ Phi Châu, v.v... Thế gian này không chỉ riêng có con người, nhưng còn có thú vật, con chó, con khỉ, con kiến, con cá, con rùa, v.v… Thế gian này không chỉ riêng có thú vật, nhưng còn cây đa, cây bàng, cây sồi, cây cỏ, cây rong biển, v.v… Nét yêu thương không biên giới này máng cỏ Tình Yêu Giáng Sinh năm 2020 một lần nữa nhắc nhở người tín hữu. Tình yêu bao la không phân biệt này, em và tu sĩ cũng như tất cả tín hữu Kitô phải có khả năng học hỏi và thực hành, tương tự như thánh Francis Assisi khó khăn đã ngợi ca và thực hành trong cuộc đời hành khất của riêng ngài. Nếu người tín hữu không bước theo bước chân của thánh Francis Assisi, không ai biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo sau mùa đại dịch Covid-19.

Giáng Sinh 2020 đang về trên mặt địa cầu. Chủ quán kính chúc thân hữu của trang Chuyện TU SĨ Chuyện EM một mùa Giáng Sinh đơn sơ với tình yêu không phân biệt của Thiên Chúa. Nguyện cầu, qua Lòng Chúa Thương Xót, nhân loại vượt qua trận đại dịch với những bài học quý giá về tình liên đới giữa muôn loài thụ tạo: giữa người và người, giữa người và các loài thụ tạo còn lại. Kính chúc độc giả một mùa Giáng Sinh đơn sơ và bình dị nhưng vẫn ấm áp tình người bên nhau!

Nguyễn Trung Tây

Mùa Giáng Sinh Đơn Sơ 2020

  

Comments

Popular Posts