Ai Chưa Lỗi Lầm?
Cũng khá lâu rồi, vào một ngày kia, có người được mời tới nhà ăn cơm. Trong khi chủ khách chén chú chén anh bên bàn tiệc, bất chợt có một người khách không nhận được thiệp mời tiến bước vào nhà. Chủ nhà, người khách, và mọi người bên bàn ăn đều ngưng câu chuyện. Mọi người yên lặng nhìn người thiếu nữ. Thoạt tiên cô ta đứng yên lặng sau lưng người khách. Sau cùng, cô nhẹ nhàng ngồi xuống bên chân của người khách. Bất chợt những giọt nước mắt bật ra tràn đầy hai khóe mắt. Và rồi những hạt nước long lanh bắt đầu tuôn rơi trên hai gò má. Từng giọt rồi từng giọt nước mắt tuôn chảy xuống hai bàn chân của ông khách. Trong nhà, mọi người vẫn đang thinh lặng. Trong thinh lặng chợt nghe như có tiếng thánh thót của những giọt nước mắt rơi nhanh xuống hai bàn chân gầy gò xanh xao của người khách. Trong thinh lặng, người thiếu nữ nhẹ nhàng ôm lấy làn tóc dài óng ả, thướt tha của mình lau khô những giọt nước mắt trên hai bàn chân bám bụi đường của người đàn ông. Từng lọn tóc dài mượt mà thay nhau phủ che lấp kín hai bàn chân của người khách. Sau cùng, trong cẩn trọng, cô ta lấy ra bình nước hoa, đổ hết lên chân của người đàn ông.
Trong thinh lặng ông chủ nhà tên Simon bâng quơ cất tiếng nói,
— Không biết ông khách có biết người đàn bà này thuộc loại người nào trong xã hội hay không?
Người thiếu nữ vẫn yên lặng, vẫn lắng nghe, vẫn không nói một lời. Mùi nước hoa quý giá từ đôi chân người khách bay ngập tràn căn phòng.
...
Không ai biết người thiếu nữ năm xưa tên gì? Không ai biết cô ta có một quá khứ như thế nào? Nhưng rất may cho người con gái, cô đã gặp một người đàn ông với tâm hồn bao la rộng lượng hơn cả ngũ đại dương. Suốt từ đầu đến cuối câu chuyện, cô ta không hề nói một lời, không một lời than van! Chỉ có những giọt nước mắt tuôn rơi!
Vậy thôi!
Thế mà những lỗi lầm của cô đều được quên đi và xóa nhòa. Khi cô ngồi xuống khóc, một quá khứ nặng nề đè chặt lên bờ vai của người con gái. Khi cô đứng dậy, một trang sách mới được lật lên. Khi cô bước ra khỏi căn nhà, một bầu trời đang chờ đợi trước mặt.
Ai trong cuộc đời đã dám chắc mình chưa bao giờ có những giây phút hay một quãng đời ngắn ngủi lỗi lầm?
Phêrô và Giuđa, hai nhân vật này và cả cô gái vô danh trong câu chuyện của ngày xưa, có lẽ, đã có những lần tố ẩu, tố liều và tố cạn láng vào trong canh bạc đời, để rồi khi đứng dậy, tay trắng lại hoàn trắng tay!
Nhưng cô gái vô danh không đi đào lỗ, chôn đầu, hoặc ngồi trong bóng tối nguyền rủa quá khứ và tất cả những người chung quanh.
Không, cô không làm như thế, nhưng cô đi tìm gặp người khách lạ, cô khóc và những lỗi lầm của người con gái đã được quên đi, đã được xóa nhòa!
Phêrô và Giuđa cũng vậy. Cả hai đều có những lỗi lầm. Cả hai đều tưởng rằng những lỗi lầm của mình sẽ không bao giờ có thể tha thứ, bỏ qua.
Thật sự ra, Phêrô và Giuđa có một điểm giống nhau và một điểm không giống nhau. Đặc biệt nhất, điểm không giống nhau đã dẫn hai người vào hai thế giới hoàn toàn khác biệt.
Điểm giống nhau giữa Phêrô và Giuđa là cả hai đều đã bị ngã, té ngã khá nặng! Điểm khác nhau giữa cả hai liên quan đến khái niệm thứ tha.
Trước tiên, Phêrô chấp nhận rằng mình đã lầm lỗi. Thứ hai Phêrô đã chấp nhận tha thứ cho chính mình. Thứ ba, sau khi đã chấp nhận tha cho mình, Phêrô bắt đầu tiến lên một bước nữa, lần này Phêrô chấp nhận dù sao đi nữa. Thiên Chúa nhân từ đã hoàn toàn tha thứ cho lỗi lầm của chính mình, ngay cả trước khi ông ta mở miệng xin lỗi. Thứ tư, Phêrô chấp nhận đóng lại một trang sách cũ, mỡ ra một trang sách mới.
Giuđa thì không, theo như trong câu chuyện của ngày xưa, ông đã quay lại đền thờ gặp những thầy tư tế, quẳng trả lại 30 đồng bạc. Qua hành động này, Giuđa đã nói lên một điều, đó là, ông chấp nhận rằng ông đã lỗi lầm khi bán đứng sư phụ của mình. Nhưng Giuđa không tiến nổi tới bước thứ hai của khái niệm Chấp Nhận. Đó là ông không tha thứ được cho chính ông ta. Và bởi không tha được cho chính mình, Giuđa cũng không bao giờ tin rằng Thiên Chúa nhân từ đã hoàn toàn tha thứ cho ông ta.
Phêrô đã hoàn toàn bước qua luôn cả 4 giai đoạn của khái niệm Chấp Nhận. Và Phêrô đã trở thành vị Giáo hoàng đầu tiên của giáo hội. Giuđa thì ngược lại, “Trăm năm bia đá thì mòn, ‘Hai ngàn’ năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Bởi thế, một cành cây bên vệ đường là nơi anh ta đã tìm đến. Một sợi dây treo lên, một mạng người rớt xuống!
Một cách tương tự, người thiếu nữ của ngày xưa đã chấp nhận tha thứ cho chính mình. Những lỗi lầm chi? Không ai biết bởi trong câu chuyện, tác giả Luca, chương 7:36-50, không nói tới. Và sau đó, cô ta can đảm tiến tới nhà ông Biệt Phái Simon, tìm kiếm người khách lạ, tìm kiếm sự tha thứ và bình an. Người con gái không nói một lời, dù là than van hay trách móc bất cứ lẫn ai. Nhưng cô khóc! Những giọt nước mắt đã đổ ra trên hai bàn chân của người khách lạ, và vết thương trong tâm hồn của cô hoàn toàn tan biến vào hư không. Khi người con gái bước ra khỏi căn nhà của ông Biệt Phái Simon, cô đã hoàn toàn chấp nhận đóng lại một trang sách cũ. Giờ này chỉ còn lại những trang sách mới, những trang sách mới của mùa xuân. Người tác giả của câu chuyện xưa đã quên không ghi lại lời tạ ơn của người con gái. Có lẽ, cô đã nói một lời tạ ơn ngắn. Và sau đó, đời sống còn lại của cô gái là một chương sách của những lời tạ ơn thật dài. Và sau đó, đời sống của cô gái và Phêrô là một bản trường ca bất tận của mùa xuân.
□ Nguyễn Trung Tây
Comments
Post a Comment